Lúc Seisetsu giảng dạy tại chùa Engaku ở Kamakura, thiền sư cần phòng ốc rộng hơn, vì nơi giảng dạy của thầy đã quá chật. Umezu Seibei, một thương gia ở Edo, quyết định là sẽ tặng 500 đồng vàng, gọi là ryo, vào việc xây trường rộng thêm. Umeza mang tiền đến cho thiền sư.
Seisetsu nói: “Tốt lắm. Tôi sẽ nhận.”
Umezu trao bao vàng cho Seisetsu, nhưng không hài lòng với thái độ của thiền sư. Một người có thể sống cả năm với chỉ 3 ryo, nhưng thương gia này không nhận được cả một tiếng cám ơn.
“Trong bao đó có 500 ryo,” Umezu nhắc khéo.
“Anh đã nói cho tôi biết rồi,” Seisetsu trả lời.
“Dù tôi là một thương gia giàu có, 500 ryo vẫn là rất nhiều tiền,” Umezu nói.
“Anh muốn tôi cám ơn anh?” Seisetsi hỏi.
“Thầy nên làm vậy,” Umezu trả lời.
“Tại sao tôi nên cám ơn?” Seisetsu thắc mắc. “Người cho nên cám ơn.”
Bình:
• Seisetsu Genjo Seki hay Seisetsu Genjyo Seki, (1877-1945), là thiền sư dòng Lâm Tế, từ thiền sư Hakuin Vậy À mà ra. Trong thập niên 1920, Seisetsu là sư trụ trì của chùa Tenryu ở Nhật.
Chùa Engaku trong truyện này là một chùa Lâm Tế rất lớn, và là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng cùa Nhật ngày nay. Chúng ta đã nói đến chùa Engaku trong bài Không nước không trăng về ni cô Chiyono.
• Bố thí là một thực hành lớn trong nhà Phật. Con đường Bồ-tát (Bồ Tát Đạo) có 6 nhánh qua sông (lục độ ba-la-mật), tức là sáu phương cách thực hành (“hạnh”) để đến giác ngộ, trong đó Bố thí là “hạnh” đầu tiên–Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Cho đi cái mình có là cách đương nhiên nhất để thực hành “vô ngã” (“không có cái tôi”).
• Bố thí thế nào? Kinh Kim Cang, đoạn 4 viết: “Bồ tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí. Này Tu-bồ-đề, Bồ tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.”
Câu này có nhiều tầng triết lý rất sâu xa, tuy nhiên nói giản dị theo cách sống hàng ngày của chúng ta thì câu này có thể hiểu là bố thí mà chẳng cầu gì cả, chẳng để được thấy tên mình trong danh sách (sắc), hay nghe được tên mình (thanh), hay tiếng tăm lừng lẫy của mình (hương), hay để nếm vị vinh quang của mình (vị), hay sờ được tên mình khắc trên bia đá (xúc), hay vì bất kỳ điều gì trong vũ trụ (pháp).
Bố thí với một tâm hoàn toàn rỗng lặng. Ngay cả dùng đạo pháp làm chủ đích của bố thí cũng không. Đoạn 14, Kinh Kim Cang viết: “Nếu Bồ-tát trụ nơi pháp mà làm việc bố thì thì ắt như người vào trong tối không thể thấy. Nếu Bồ-tát tâm không trụ pháp mà hành bố thí thì như người có mắt lại thêm ánh sáng mặt trời chiếu soi, thấy các thứ hình sắc.”
(Ghi chú: Bố thí không vì mình mà vì đạo pháp thì hay lắm rồi, vẫn hơn không. Nhưng bố thí mà vượt qua được cả tầng “vì đạo pháp” này mới là chân ngộ của Bồ tát).
Bố thí tự nhiên như hít thở. Bố thí tự nhiên như khát nước thì uống nước mà chẳng hề suy nghĩ gì. Đó mới là bố thí hạnh của Bồ-tát.
• Đương nhiên là bố thí mà cần cám ơn như Umezu là không nên rồi. Và đương nhiên là một câu cám ơn cũng chẳng tốn công gì mà thiền sư Seisetsu lại không thể nói một tiếng cho vui vẻ cả làng. Nhưng, có lẽ là thiền sư biết tâm tính Umezu và cố tình im lặng để dạy cho Umezu một bài học về Phật pháp.
• Nhưng tại sao thiền sư nói “Người cho nên cám ơn”?
Thưa, vì bố thí là hạnh Bồ tát, mà muốn thực hành hạnh này thì phải có người nhận. Nếu không có người nhận thì không thể làm việc bố thí được. Mang tiền ra vất ngoài sa mạc không phải là bố thí. Cho nên, người cho phải cám ơn người nhận đã tạo cho mình một cơ hội để thực hành hạnh bố thí.
Chú ý, câu đầu tiên thiền sư nói khi Umezu mang tiền vào: “Tốt lắm. Tôi sẽ nhận.” Tức là, tôi cho chú cơ hội làm việc bố thí.
• Không nên xem đây là một cuộc đấu tranh tư tưởng giữa hai người, Umezu và thiền sư, xem ai thắng.
Đa số mọi người trong chúng ta đều như Umezu, đều muốn nghe cám ơn khi bố thí–không những cám ơn mà còn phải cám ơn trên radio, TV, báo chí, Internet thì mới hả dạ. Umezu chẳng ai xa lạ hơn là cái tôi của mỗi người chúng ta.
Nhưng điều chúng ta không biết, và thiền sư Seisetsu muốn dạy, là: Người cho phải cám ơn người nhận.
Trần Đình Hoành dịch và bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét