Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

BỤI CHUỐI SAU HÈ

Nếu nói về họ nhà chuối ở miền Nam, một đứa trẻ cũng có thể kể ra một lố. Nào là chuối sứ, chuối già, chuối hột, chuối cau, chuối tiêu, chuối chà bột... Và sau đó các bé gái sẽ hò, một câu hò da diết đến lạ lùng , nỗi da diết đáng ra không thể và không nên có đối với lứa tuổi thơ ngây.

Hò ơ ... gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.


Chị bà con bạn dì của tôi , lúc tám tuổi từng bị cha mình tát một bợp tai vì chuyện mỗi khi ru em thường hò đi hò lại hoài cái câu ấy. Nhưng bà nội của chị thì lại biểu: "Khi nào có thằng cha mày ở nhà, mày cứ hò bụi chuối cho bà, nhớ hò cho đủ nghe con".Chị nghe lời bà nhưng sợ cha lắm. Ôm em trai nằm úp mặt vô vách võng, giọng muốn khóc, chị bặm gan hò cho cha chị nghe.

Hò ơ ... gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.
Con thơ tay ẵm tay bồng,
Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông.




Lúc nhỏ tôi không biết lý do vì sao mà người vợ bị chồng bỏ theo vợ bé ấy lại "đầu đội thúng bông". Xứ tôi, ngày ấy không có ai đi bán bông, ngày rằm ngày Tết cần cúng kiếng người ta chỉ ra vườn hái đại hay đi xin chòm xóm một loại bông nào đó, thường bông hay cúng là bông trang. Tôi nghĩ sao lại đội thúng bông mà không đội thúng chuối! Nải chuối, bắp chuối, lá chuối tới thân chuối non cũng xắt trộn gỏi gà, thậm chí tới thân chuối già cũng xắt cho heo ăn được mà. Sau này chị tôi lên Sài Gòn. Ai xúi chị không biết mà chị lại ra chợ bán bông. Chị sống được với nghề bán bông cho người thành thị. Nhưng chị không có chồng. Trước khi mất, bà nội chị có trối: "Con Hương bán bông nên ế chồng, biểu nó kiến nghề khác làm ăn cho bà yên tâm nhắm mắt". Với bà nội chị, bán bông là bán duyên con gái, nhưng nghèo quá, để sống, có cái ăn sá gì.


Tôi không ưa cây chuối nhất là mấy bụi chuối ở sau hè. Nhà tôi thuộc dạng dân chạy giặc từ nông thôn ra vùng ven tỉnh lỵ. Cả xóm chạy giặc ấy không hiểu sao nhà nào cũng có bụi chuối sau hè, thường thì nó mọc ở sát vách, cạnh một lu nước hay cách một mé hiên để đồ cụ. Và chắc chắn cái bụi chuối đó thường mọc chồm qua nhà hàng xóm để khoe cái thân cây tràn trề nhựa sống bóng lưỡng, khoe cả cái màu lá chuối xanh mượt mà. Dù có hàng rào hay không có, mỗi nhà hàng xóm của nếp sống thị dân tỉnh lẻ vẫn cứ qua lại với nhau khi tối lửa tắt đèn. Đàn bà qua lại vì chuyện đầu trên xóm dưới, trái chanh, trái ớt. Riêng đàn ông, những bữa mưa dầm hay tối trời, nhất là khi có rượu vào, từ bụi chuối ngó qua, nói với vợ người hàng xóm đang rửa chén hoặc giặt đồ, những câu chuyện từ bụi chuối ấy trước tiên là chuyện gợi tình cà rỡn.


Bụi chuối sau hè với tôi có gì đó mê muội và càng lớn tôi lại càng ghét mình, ghét cái bụi chuối sau hè hơn khi phát hiện ra rằng, bụi chuối sau hè ấy có gì đó rất quyến rũ, sự quyến rũ tăm tối che chở cho những mối tình vụng trộm. Tình vụng trộm là thứ bị kết án chẳng thương xót, tình vụng trộm có khi chỉ là cảm xúc thoáng qua, nhưng lại là chất kích thích chống lại bao nhiêu sự tẻ nhạt của một đời người. Còn vì sao lại kéo theo cái bụi chuối vào vòng tội tình thi tôi không hiểu được.

Tôi nhớ đã hỏi bà nội tôi:

- Nội ơi! Cớ gì mà có khi đêm khuya con lại nghe ai đó đưa võng ngoài hè, phải ma không, con sợ quá nội ơi!

Bà nội tôi nói:

- Tiến cây chuối vặn mình, ma cỏ gì, ngủ đi!


Phụ nữ cũng thường sợ nghe tiếng cây chuối vặn mình. Bây giờ thì tôi hiểu thêm bà tôi, má tôi, những người phụ nữ đã bước vào tuổi xế chiều của cuộc đời thường thấy sợ hãi mỗi khi nghe tiếng bụi chuối vặn mình. Những người đàn bà đa cảm ở quê tôi, cứ thương cho cây chuối mội bận ra bắp trong đêm khuya mưa gió bão bùng là nhớ lại thân phận, rồi thương cho thân mình và có khi thương cả cho những người đàn bà đã lầm lỡ với chồng mình.

Có lẽ tiếng cây chuối vặn mình và kêu rên khi sanh ra bắp chuối cũng giồng như chuyện đau đẻ của người đàn bà. Nếu người ta tin cây cỏ cũng có ngôn ngữ thì vì sao chỉ cây chuối mỗi bận ra bắp (hoa) là biết kêu lên thành một chuỗi âm thanh, đó là âm thanh của tình trạng cưu mang và lìa bỏ. Rõ ràng tiếng vặn mình của cây chuối cho thấy cây đang đau đớn, dùng chữ ra hoa, hay hạ sinh thì đọc không thấu được tiếng rên ấy, chỉ có thể thấu được tiếng rên ấy khi người ta hiểu rằng với cội nguồn, khi sinh ra đó là sự lìa bỏ. Ta hạ sinh khỏi lòng mẹ đó là cột mốc thời gian đầu tiên, nơi khởi đi sự chuyển động không gian đầu tiên chỉ ra rằng chúng ta đã lìa bỏ người.


Với những người phụ nữ lỡ dan díu mà có con, sự lìa bỏ ấy là tiếng kêu của cả một tương lai đau thương.

Không hiểu sao từ nhỏ đến giờ tôi cứ hình dung bụi chuối sau hè mang hình ảnh một người đàn bà rất đẹp, rất hiền và nhẹ dạ.

Trần Tiến Dũng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét