Một hôm, có một nữ sĩ nhờ thiền sư vẽ cho cô ta một bức tranh, thiền sư nói:
- Cô nương trả thù lao cho ta bao nhiêu?
Vị nữ sĩ đáp:
- Ngài đòi bao nhiêu tôi trả bấy nhiều, nhưng ngài phải đến nhà tôi múa bút trước mặt mọi người.
Thiền sư Nguyện Thuyền đồng ý theo cô về nhà. Thì ra cô đang mở tiệc đãi khách trong nhà. Thiền sư cầm bút vẽ tranh cho cô ta, vẽ xong, nhận thù lao định đi, nhưng vị nữ sĩ kia liền nói với quan khách giữa bàn tiệc:
- Vị họa gia này chỉ biết có tiền thôi, tranh ông ta vẽ tuy rất đẹp nhưng tâm địa như vậy là bẩn thỉu, vàng bạc đã làm nhơ hết cái thiện cái mỹ, một tác phẩm xuất phát từ tâm hồn như vậy không thể treo ở phòng khách, chỉ có thể dùng trang trí cho cái quần của tôi thôi...
Vị nữ sĩ nói xong liền cởi chiếc quần mình đang mặc ra, muốn thiền sư vẽ tranh lên mặt sau của chiếc quần. Thiền sư Nguyện Thuyền lại hỏi:
- Cô nương sẽ trả cho ta bao nhiêu tiền?
Vị nữ sĩ đáp:
- Ông đòi bao nhiêu tôi cũng đưa.
Thiền sư Nguyệt Thuyền liền đưa ra một cái giá rất đắt, sau đó vẽ theo yêu cầu của nữ sĩ. Vẽ xong liền ra về.
Rất nhiều người thắc mắc, vì sao một thiền sư mà cứ phải có tiền mới được, bị làm nhục như thế sao thiền sư vẫn chịu đựng được?
Mãi về sau, mọi người mới vỡ lẽ. Thì ra, ở điạ phương của thiền sư Nguyện Thuyền thường xuyên gập nạn mất mùa, người giàu lại không chịu mở lòng bố thí cho dân nghèo, cho nên thiền sư xây một nhà kho dự trữ lương thực cứu tế. Ngoài ra, chính sư phụ của thiền sư Nguyện Thuyền khi còn sống cũng muốn xây dựng một ngôi thiền viện, nhưng chẳng may ý nguyện chưa thành thì đã qua đời. Thiền sư Nguyện Thuyền nguyện sẽ hoàn thành ý nguyện của sư phụ.
Sau khi hoàn thành các ý nguyện, thiền sư Nguyện Thuyền liền vứt bỏ hết bút vẽ, vào núi ở ẩn, không bao giờ vẽ tranh nữa. Thiền sư chỉ nói một câu rằng: "Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương, vẽ người vẽ mặt khó vẽ lòng".
(Sưu tầm trên mạng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét