Mấy bữa nay xem chương trình "chiếc thìa vàng", tôi đã học hỏi rất nhiều về ẩm thực VN của các tay đầu bếp chuyên nghiệp biểu diễn, ngoài cách trình bày các món ăn, họ còn đem vào những gia vị đặc sản của từng vùng miền. Có những loại rau quả mà tôi có thể nghe qua mà không biết là gì và có những loại chưa từng nghe qua cho tới bây giờ mới biết.
Tôi sẽ cố gắng tìm tài liệu để giới thiệu cho các bạn, các bạn trẻ và những bạn sống ở nước ngoài, có thể sẽ là một sự nhắc nhở về kỷ niệm nào đó lâu quá thành quên.
Tối nay có một đội dùng trái bứa để nấu ăn.
TRÁI BỨA
-Tên tiếng Anh: Garcinia cambogia, Brindle berry, Brindall berry, gamboge fruit
-Tên khoa học: Garcinia oblongifolia Champ. ex Benth.,
- Các loài tương cận:
-Măng cụt (tím) (Garcinia mangostana ).
-Măng cụt rừng (Garcinia indica ).
-Bứa Châu Phi (Garcinia livingstonei).
-Bứa Mã Lai (Garcinia atroviridis).
-Bứa chanh (Garcinia cambogia).
-(Khoảng ít nhất 50 loài khác nữa).
-Tên khoa học: Garcinia oblongifolia Champ. ex Benth.,
- Các loài tương cận:
-Măng cụt (tím) (Garcinia mangostana ).
-Măng cụt rừng (Garcinia indica ).
-Bứa Châu Phi (Garcinia livingstonei).
-Bứa Mã Lai (Garcinia atroviridis).
-Bứa chanh (Garcinia cambogia).
-(Khoảng ít nhất 50 loài khác nữa).
Mô tả: Cây gỗ thường xanh cao 6-7m. Cành non thường vuông, xoè ngang và rủ xuống. Lá hình thuẫn, hơi dài, đuôi nhọn, chóp dài, mép nguyên, nhẵn bóng, có nhiều điểm mờ. Hoa đực mọc thành cụm 3-5 hoa ở nách lá, 4 lá đài và 5 cánh hoa, 20 nhị có chỉ nhị ngắn. Hoa lưỡng tính có lá đài và cánh hoa như ở hoa đực, màu hơi vàng hoặc trắng; bầu 4 (6-10) ô, hình cầu, vòi ngắn. Quả mọng mang đài tồn tại; vỏ quả dày, có khía múi, khi chín màu vàng, phía trong hơi đỏ chứa 6-10 hạt.
Mùa hoa quả tháng 3-6.
Bộ phận dùng: Vỏ - Cortex Garciniae.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang trong rừng thứ sinh của các tỉnh từ Hà Tuyên, Vĩnh Phú đến Quảng Nam - Đà Nẵng. Cũng thường được trồng lấy lá tươi và quả nấu canh chua. Thu hái vỏ quanh năm, cạo bỏ lớp vỏ ngoài, thái nhỏ, phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Vỏ có tính săn da và hơi đắng, mát, hơi độc, có tác dụng tiêu viêm, hạ nhiệt, làm săn da, hàn vết thương.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá có vị chua thường được dùng thái nhỏ nấu canh chua. Hạt có áo hạt chua, ăn được, cũng dùng nấu canh chua. Vỏ thường dùng trị: 1. Loét dạ dày, loét tá tràng; 2. Viêm dạ dày ruột, kém tiêu hoá; 3. Viêm miệng, bệnh cặn răng; 4. Ho ra máu. Dùng ngoài trị bỏng, mụn nhọt, sâu quảng, eczema, dị ứng mẩn ngứa, rút các vết đạn đâm vào thịt. Liều dùng 20-30g dạng thuốc sắc, dùng ngoài giã vỏ tươi đắp. Nhựa bứa dùng trị bỏng.
(trích một đoạn giới thiệu về cây bứa của Nguyễn Hữu Toàn)
Có một bài viết sau đây, đọc để nhớ về một kỷ niệm của một người xa quê.
VỊ BỨA QUÊ NHÀ
Tôi về thăm mợ trong một ngày nắng nóng. Mợ lục đục dưới chái bếp chừng dăm phút rồi bưng lên cho đứa cháu ly nước bứa màu vàng tươi. Đón bát nước từ tay mợ, vị chua thanh ngọt thấm đậm nơi đầu lưỡi như xua tan mọi mệt mỏi sau chặng đường dài... Thuở nhỏ, tôi vẫn thường được mợ làm cho món nước bứa vào những hôm trời oi bức.
Miền trung du quê tôi khí hậu tuy khắc nghiệt nhưng dường như thổ nhưỡng lại khá phù hợp với cây bứa. Cách đây chừng vài chục năm, trên các gò đồi, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những cây bứa xanh ngát. Lúc còn non, quả bứa xanh bằng nắm tay đứa trẻ lên ba với lớp vỏ mịn màng, bóng láng ẩn hiện trong đám lá.
Khi những đợt gió Tây Nam bắt đầu thổi qua cánh đồng lúa trĩu hạt, nắng trải khắp đồi quê, là lúc bứa chín vàng. Người dân quê tôi ngày đó còn nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương sắn, luống ngô, bãi mía. Thế nên với tuổi thơ của nhiều thế hệ, bánh kẹo, đồ chơi đẹp… là món quà xa xỉ. Phải chăng vì thế mà ngay cả trái ổi rừng hạt nhiều nhưng thơm, trái sim chưa kịp chín còn vị chát hay trái bứa rừng có vị chua thanh ngọt... cũng trở thành món quà quý giá.
Tôi không quên những mùa bứa chín, đám bạn trong xóm rủ nhau vào rừng hái hoặc lượm những trái do chim ăn đêm rơi xuống. Có lẽ vị thanh ngọt của từng múi bứa đã mê hoặc cả lũ chim rừng. Thường dáng cây bứa nhỏ, ít cành nên rất khó trèo. Chúng tôi tôi cứ ngước nhìn lên mà ước ao mình có cánh như chim để có thể hái được những quả chín vàng mọng trên đỉnh ngọn cao chót vót.
Tôi bắt đầu mê hơn loại trái cây này từ khi được mợ làm cho món nước bứa giải khát. Mùi vị của ly nước khá đặc biệt, ngọt chua thanh tao đặc trưng, không hề lẫn lộn với các loại nước quả khác. Một điều lý thú là trái bứa còn được xem như một thứ gia vị truyền thống dùng kho cá đồng, nấu canh chua...
Gần mười năm mưu sinh ở xứ người, nhiều hôm đứng giữa thành phố lộng lẫy, tấp nập xe cộ, tôi chợt thèm đến nao lòng một lần được đặt đôi chân trần lên con đường mòn dẫn vào rừng với lối đi quanh co, có nhiều cây bứa nghiêng bóng mát dịu. Và, những lúc ấy tôi lại nhớ mợ, nhớ niêu cá rô mợ kho trái bứa, nhớ ly nước mợ làm cho tôi uống đỡ cơn khát. Tuổi thơ tôi qua đi bao kỷ niệm gắn liền với mợ. Hễ cứ ngửi thấy mùi thơm hay bắt gặp vị thanh chua quen thuộc na ná giống vị bứa quê nhà, dù bất cứ lúc nào và đang ở đâu, tôi cũng thấy lòng xôn xao...
Đợt này về thăm quê, mợ tôi dường như đã già nhiều. Ly nước bứa được pha vội từ đôi tay gầy guộc, nhăn nheo níu chân tôi ở lại với mợ lâu hơn. Bây giờ thì rừng quê tôi không còn nhiều bứa. Thay vào đó là những cánh rừng bạch đàn. Nhưng cũng như mợ, nhiều gia đình vẫn lưu giữ vài cây bứa trong vườn để bước chân người đi xa còn thấy nhớ tìm về.
THANH LY
(Sưu tầm trên mạng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét