Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

TU PHẬT MAU HAY CHẬM?

Trung Hoa có kể câu chuyện về chú đồ tể, làm thịt heo bán. Hôm đó, được Thiền sư chỉ dạy, sau một thời gian tu bỗng dưng chú giác ngộ, làm bài kệ:

Tạc nhật Dạ-xoa tâm,
Kim triêu Bồ-tát diện.
Dạ-xoa dữ Bồ-tát,
Bất cách nhất điều tuyến.

昨日夜叉心。
今朝菩萨面。
菩萨与夜叉。
不隔一条线。

Nghĩa là:

Ngày hôm qua tâm Dạ-xoa,
Bữa nay mặt Bồ-tát.
Bồ-tát với Dạ-xoa,
Không cách một đường tơ.

Giác là Bồ-tát, mê là Dạ-xoa. Ngày hôm qua mình thấy thân này thật, vọng tưởng thật, đó là Dạ-xoa. Bữa nay biết thân này giả, vọng tưởng hư dối, liền thành Bồ-tát. Như vậy Bồ-tát với Dạ-xoa cách bao nhiêu? Một sợi tơ. Như tay tôi úp xuống là úp, lật lên là ngửa, chỉ một cái xoay thôi. Mê cũng mình, mà giác cũng mình, chỉ chuyển cái tâm.

Cho nên đường đạo rất gần, rất ngắn, chỉ tại ta lơ mơ, cứ thả trôi hoài nên kéo dài tới ba vô số kiếp mới thành Phật. Bây giờ chúng ta tỉnh giác, giả biết giả không nghi ngờ, chắc chắn sẽ mau đạt đạo. Đó là điều tất cả Phật tử nên nghiền ngẫm mới thấy giá trị của người tu Phật.

Đức Phật đã nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Ai cũng có Phật tánh hết, chỉ khác nhau ở chỗ mê với giác thôi. Nếu trên đường tu chúng ta nỗ lực tiến tới thì con đường Phật đạo không xa. Nói nỗ lực chớ thật ra không có gì phải nỗ lực. Chỉ cần đổi cái nhìn thôi, thấy giả với thấy thật có tốn bao nhiêu mồ hôi đâu. Vậy mà chúng ta làm không nổi, thật cũng không biết nói sao!




Phật đạo là con đường hết sức ngắn, hết sức gần. Nhưng vì chúng ta chưa nỗ lực, chưa quyết tâm nên lận đận lao đao, chìm nổi trong vòng luân hồi không có ngày ra. Đó là tại vì mình không can đảm. Nếu can đảm đổi cái nhìn thì mê biến thành giác ngay, không có gì xa lạ hết. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói: “Có một trăm chúng sanh thì có một trăm ông Phật”, đâu có lỗ, đâu có thiệt thòi gì. Một trăm chúng sanh bị nhìn, nó mất thì một trăm ông Phật đang giác hiện ra.

Vọng tưởng dấy lên ta nhìn nó, biết là vọng tưởng không theo. Chú khác dấy lên cũng thế. Ngồi một giờ thấy một trăm lần như vậy cũng hoan hỷ như thường, bữa nay mình thắng trận chớ không thua. Ngày xưa vọng tưởng ta lầm cho là tâm mình, bây giờ vọng tưởng biết vọng tưởng, đó là đã thắng nó rồi. Ta điểm mặt nó rồi, nó đâu còn quyền làm chủ mình nữa. cho nên thấy được vọng tưởng là từng bước ta đang chiến thắng, đừng buồn, đừng nản. Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, quí vị nhớ người tu thiền lâu hay quên, nhưng đừng sợ điên. Quên là vì chúng ta không muốn nhớ, chớ không phải quên của người điên. Pháp tu này nhẹ lắm, chỉ buông thôi, không kềm chế nên không sợ điên. Tôi thường ví dụ, như sáng chúng ta đi chợ định mua mấy món đồ. Hồi khởi sự đi tính năm bảy món. Từ nhà ra chợ hơi xa một chút, trong đầu lại không muốn nhớ, nên tới chợ quên món này, món khác. Quên là tại vì mình không muốn nhớ.


Cũng vậy vọng tưởng dấy lên ta buông, buông riết phải quên thôi. Đó là một lẽ thật. Nhiều người không biết hoảng sợ, nói sao năm nay tôi ngu quá. Tưởng thế nên hết dám tu. Đầu đuôi gốc ngọn của sự tu rõ ràng như vậy. Hiểu rồi trên đường tu quí vị yên lòng, không có gì khó khăn.




Quí vị nghe rồi khéo nhìn, khéo ứng dụng sẽ có lợi lạc lớn. Nếu nghe mà không làm thì việc tu không tiến bước nào. Đó là điều đáng buồn. Người nào ứng dụng được, tôi tin rằng trên đường tu vị đó sẽ có bước tiến nhiều hơn mình mong mõi.

Đó là những lời tha thiết của chúng tôi, gởi gắm lại cho tất cả quí vị.


Trích NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT TRONG SỰ TU HÀNH 
HT. Thích Thanh Từ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét