Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

CAO VĂN LẦU VÀ BẢN DẠ CỔ HOÀI LANG

Nếu đã tự cho mình là người của đồng bằng sông nước Nam bộ, không thể nào không nghe qua cái tên Cao Văn Lầu và bài "Dạ cổ hoài lang", cái tên có thể không biết nhưng cái điệu nhạc thì nhất định phải nghe qua đâu đó, có thể trên ra-dô hay tiếng vọng qua nhà của người hàng xóm trong những lúc họ ngẩu hứng hay ca ru con ngủ và dường như nó đã hòa quyện vào máu tim da thịt của con người Nam bộ.
Hồi nhỏ tôi đã nghe qua điệu nhạc này, nó buồn lắm, não nuột như ngóng trông thương nhớ, đau như muốn đứt ruột. Vậy mà hồi nào tới giờ tôi chưa hề tìm hiểu về lịch sử của ông cũng như nguồn gốc xuất xứ của bài "Dạ cổ hoài lang". Hôm nay tình cờ đọc được bài này, tôi phải chạnh lòng thương, thổn thức cho một câu chuyện tình như tiểu thuyết, chia ly rồi lại sum vầy và nhờ vậy mới cho ra đời một bài hát bất hủ.
Các bạn thử đọc và xem có cầm lòng được không?:
CAO VĂN LẦU VÀ BẢN DẠ CỔ HOÀI LANG
Vào một đêm tối trời cuối năm 1896, có 20 gia đình nông dân nghèo tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, huyện Vàm Cỏ, Long An, vì không chịu nổi cảnh hà khắc của bọn quan lại địa phương nên đã xuống ghe xuôi về vùng Bạc Liêu lập nghiệp. Trong số đó có gia đình ông Cao Văn Giỏi, cha Cao Văn Lầu lúc ấy chưa tròn 5 tuổi (sinh 1892).



Vì sao “Dạ cổ hoài lang” ra đời?
Cha Cao Văn Lầu là người rất trọng đạo nho, ông “không sợ nghèo, chỉ sợ không giữ được đạo”. Nên khi đến vùng đất mới, ở tạm dưới mái chùa Vĩnh Phước An, ông liền gửi Cao Văn Lầu vào chùa học chữ nho. Học được hai năm, phong trào chữ Quốc ngữ phát triển, Cao Văn Lầu thôi học chữ nho chuyển sang học chữ Quốc ngữ. Nhờ sáng dạ nên rất được thầy yêu, bạn mến. Việc học đang tấn tới nhưng đến lớp nhì (nay là lớp 4) thì ông đành chịu dở dang vì gia đình túng quẩn.
Gia đình chẳng vơi đi chút khó khăn nào. Thấy vậy cha ông bèn gởi ông cho thầy giáo dạy đàn ở xóm Rạch Ông Bổn. Ông thầy đàn có tên Lê Tài Khị, tục gọi Nhạc Khị, nổi tiếng môn nhạc lễ và nhạc tài tử bởi ngón đàn điêu luyện. Nhờ siêng năng, sáng dạ nên Cao Văn Lầu mau chóng sử dụng thành thạo các nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống… và trở thành nhạc sĩ nòng cốt trong ban nhạc của thầy. Ban nhạc hoạt động theo hình thức nhạc lễ kết hợp với đờn ca tài tử. Nhờ có đờn ca tài tử mà danh tiếng Cao Văn Lầu mỗi lúc một vang xa. Soạn giả Mộng Vân, một người bạn đồng môn lập gánh hát mời ông về làm nhạc trưởng. Nhờ đó mà ông có tiền gửi về nuôi cha mẹ. Theo đoàn hát được vài năm, lúc này Cao Văn Lầu tuổi đã ngoài 21, cha mẹ bắt ông về cưới vợ. Vâng lệnh cha mẹ, ông lấy cô Trần Thị Tấn, một cô gái nết na, chất phát ở miệt biển Bạc Liêu.


Để có tiền cưới vợ, ông phải đi vay 80 đồng của bà Sư Chơn, lãi suất cắt cổ, mỗi ngày đóng 1,6 đồng. Sau đám cưới, hai vợ chồng phải đi vào rừng mò củi lụt, xúc tép dưới lung để đủ tiền trả lãi. Suốt ba năm trời quần quật kham khổ, người vợ gầy héo không thể sinh con. Theo tục xưa: “Tam niên vô tử bất thành thê”, một quan niệm của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt khiến cho nhiều đôi lứa chia lìa. Vợ chồng Cao Văn Lầu không nằm ngoài quan niệm ấy, khi mẹ ông bảo: “Con hãy liệu mà kiếm vợ khác để nối dõi tông đường. Đó là chữ hiếu của con mà mẹ cũng trọn đạo với nhà chồng”. Nghe qua nghiêm lệnh của mẹ mà ông thấy như trời long đất lở! Hạnh phúc lứa đôi rồi đây sẽ sụp đổ. Thương cho người vợ hiền tần tảo, thủy chung nào hay tin dữ. Phận làm con phải lấy chữ hiếu làm trọng, ông hiểu nhưng chữ tình nào dám rẻ khinh.Sau thời gian chờ đợi không thấy con trai thi hành nghiêm lệnh, bà nói cho con dâu biết rõ sự tình.
Như mọi ngày, vợ chồng Cao Văn Lầu vẫn vào rừng mò củi, xúc tép để mưu sinh. Đến trưa, củi đầy ghe mà tép cũng nhiều. Hai vợ chồng dọn cơm lên mũi ghe, bất chợt vợ ông nghẹn ngào: “Má không cho mình ở với nhau nữa. Thôi anh cưới vợ khác, em về với mẹ cha em”. Nói xong vợ chồng gục đầu nức nở.


Chiều hôm ấy, vợ chồng đưa nhau ra bìa ruộng, ôm nhau khóc, đến chạng vạng buộc lòng phải chia tay. Cao Văn Lầu thấy vợ chỉ ôm theo gói quần áo cũ, ông liền lấy khăn rằn quấn cổ đội lên đầu cho vợ ra đi. Tay lau nước mắt, chân bước thất thểu ra đồng như đi về nơi vô định. Sau khi vợ đi rồi, ông như người mất hồn. Một hôm ông sang nhà nhạc phụ tìm vợ, mới biết vợ ông không trở về. Lòng càng hoang mang, tìm khắp nơi nhưng hình bóng người vợ hiền vẫn bặt tin. Suốt một năm ròng chẳng biết vợ ở đâu, ông đành ôm sầu nuốt lệ. Cứ mỗi khi chiều xuống xách đờn ra bìa ruộng, nơi vợ chồng ly biệt. Nhìn ra đồng mà hình dung bóng vợ thất thểu giữa trời đêm. Ông gãy đờn theo tâm trạng của vợ lúc ấy, hết Xuân nữ đến Nam ai rồi Trường tương tư mà lòng chẳng vơi chút sầu thương.
Theo lời kể của ông Cao Kiến Thiết, con trai trưởng Cao Văn Lầu, ông nói có lần nghe cha mình tâm sự với bạn bè: “Lúc ấy tôi nghĩ, giờ này vợ mình ở đâu? Chắc chắn là vợ mình thương mình nhiều hơn mình thương vợ. Số phận vợ mình sao mà giống thân phận nàng Tô Huệ, quá thương chồng nên dệt bức Chức cẩm hồn văn dâng lên vua để tỏ lòng nhớ thương chồng. Hay nàng Tô Thị thương chồng đứng chờ cho đến khi hóa đá. Nên tôi viết bài Hoài Lang (nhớ chồng)”.


Sau nhiều tháng làm bạn với cây đàn, bất chợt ông nghĩ: tiếng trống đêm đánh lên trong khi mình đờn bài Hoài lang. À, phải rồi. Âu là mình lấy hai chữ Dạ cổ (tiếng trống đêm) thêm vào bản nhạc Hoài lang thành Dạ cổ hoài lang (đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) vậy là hay biết mấy. Thế là bản Dạ cổ hoài lang ra đời, với 20 câu làm não ruột người nghe *.
Theo nghệ sĩ Lâm Tường Vân, bài Dạ cổ hoài lang là tiếng nấc của nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu. Để rồi vào một đêm rằm tháng 8/1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Hòa Thạnh (nay là phường 2, thị xã Bạc Liêu), tỉnh Bạc Liêu, Cao Văn Lầu chính thức công bố bản nhạc bất hủ của mình. Người may mắn được ông dạy bản Dạ cổ hoài lang đầu tiên là nghệ sĩ Bảy Cao, kế đến là Lưu Hoài Nghĩa, rồi lần lượt đến các nghệ sĩ khác và người hâm mộ…
Sau khi bản Dạ cổ hoài lang ra đời, ông vẫn chưa vơi nỗi buồn thương. Không thể cam chịu cảnh chia ly, một mình khóc với bài ca. Ông quyết tâm đi tìm vợ! Ít lâu sau ông tìm gặp vợ ẩn sau mái chùa làm công quả. Cuộc trùng phùng như được tái sinh. Từ đó ông hay lui tới thăm vợ. Một hôm vợ ông cho biết đã mang thai, đối với ông hạnh phúc như tràn ngập trên cõi đời. Tuy vậy ông cũng không khỏi lo âu, bởi nghiêm lệnh của mẹ ông vẫn còn đó. Nhưng ông vẫn nhất quyết về thưa với mẹ. Mẹ ông nghe qua thay gì giận dữ, trái lại như bắt được vàng, hối thúc con trai chuẩn bị ghe rước con dâu trở về.


Bài ca vua của sân khấu cải lương
Từ khi bản Dạ cổ hoài lang ra đời, nhanh chóng đi sâu vào lòng người mộ điệu, trở thành bài ca chính thống, bài ca vua trên sân khấu cải lương Nam bộ. Qua mỗi giai đoạn phát triển trở nên hay hơn và chuyển dần thành nhiều nhịp. Năm 1924, tăng lên 4 nhịp. Năm 1934 – 1944, tăng lên 8 nhịp. Năm 1945 – 1954, tăng lên 16 nhịp. Năm 1955 – 1964, tăng lên 32 nhịp và từ 1965 đến nay tăng lên 64 nhịp. Và cứ mỗi lần phát triển, bài Dạ cổ hoài lang không dừng lại ở nguyên bản như các bài nhạc cổ khác, mà dần biến đổi hình thức, làm thay đổi một phần bộ mặt cải lương. Rõ nét nhất là từ thập niên 1960, soạn giả Viễn Châu, đã tạo nên mối lương duyên kỳ lạ, kết hợp Tân nhạc vào Vọng cổ cho ra đời bản Tân cổ giao duyên, thu hút được khán thính giả tân và cổ nhạc. Điều này chỉ có ở vọng cổ, bởi lẽ tiếng nhạc du dương và lời ca bình dị hợp với tấm lòng người Nam bộ. Lúc buồn vọng cổ giúp giải bày tâm sự, vơi đi nguồn tủi, lúc vui tươi vọng cổ góp phần cho sự kiện hân hoan. Cũng chính bản vọng cổ đã góp phần mang lại ánh hào quang cho nhiều lớp nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, soạn giả cải lương… góp phần khơi nguồn dòng chảy cho lịch sử âm nhạc nước nhà.
GS – TS. Trần Văn Khê, khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể”.

Tại một hội thảo cách đây chưa lâu, các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, soạn giả tỏ ra lạc quan rằng tương lai bản Dạ cổ hoài lang sẽ là di sản văn hóa thế giới. Trước mắt, GS – TS. Trần Văn Khê, tác giả Lê Duy Hạnh – Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, ThS. Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM đề nghị tỉnh Bạc Liêu nên khần trương lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL xếp hạng cho bản Dạ cổ hoài lang là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Chúng tôi tin rằng khi ấy nó không còn là di sản văn hóa của người dân Bạc Liêu phóng khoáng, nghĩa tình, mà nó sẽ trở thành di sản của cả dân tộc. Mong lắm thay!
Bài "Dạ cổ hoài lang"
  1. Từ là từ phu tướng
  2. Báu kiếm sắc phán lên đàng
  3. Vào ra luống trông tin nhạn
  4. Năm canh mơ màng
  5. Em luống trông tin chàng
  6. Ôi! Gan vàng thêm đau
  7. Đường dầu xa ong bướm
  8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
  9. Còn đêm luống trông tin bạn
10. Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu
11. vọng phu vọng luống trông tin chàng
12. Lòng xin chớ phụ phàng
13. Chàng là chàng có hay
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15. Biết bao thuở đó đây sum vầy
16. Duyên sắc cầm đừng lợt phai
17. Là nguyện – cho chàng
18. Hai chữ an – bình an
19. Trở lại – gia đàng
20. Cho én nhạn hiệp đôi.
Nguồn:báo dulich
(Sưu tầm trên mạng)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét