Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

ĐẠO Ở ĐÂU ?

Trên bục giảng kia là một giảng viên nổi tiếng, lỗi lạc. Ông ta là một học giả, một nhà trí thức đã dày công nghiên cứu nhiều triết thuyết, nhiều đạo giáo. Ông ta tỏ vẻ rất am tường nhiều trường phái triết học, đạo học, những hệ thống tín ngưỡng, tư tưởng, với nhiều quan niệm lý luận khác nhau.

Khi ông ta trình bày quan điểm của mình xong, ông ta mời mọi người phê bình và tranh luận. Ðầu tiên, chỉ có một, hai người góp ý, phê bình, nhưng sau thì nhiều người nhảy vào tranh cãi. Sự tranh cãi của họ càng lúc càng gay cấn hơn, ác liệt hơn; nó không còn tranh luận giáo lý nữa, mà là chỉ trích, bới móc cá nhân, quyết hạ đối thủ cho bằng được. Bây giờ thì không có ai là diễn giả, không có ai là thính giả. Họ đều nói cùng một lúc, chẳng có ai nghe ai hết.

Tôi ngồi yên lặng, một người đến hỏi ý kiến tôi. Tôi nói tôi không có ý kiến gì hết. Tôi nghĩ rằng, một khi quan niệm khởi lên, chân lý bay mất. Chân lý chỉ có mặt một khi con người dứt bặt mọi quan niệm, ý nghĩ.

Tôi nói gì với họ bây giờ? Họ có vẻ như đang chờ tôi nói lên một điều gì để cân bằng cuộc tranh cãi. Cuối cùng, tôi kể cho họ nghe một câu truyện.



"Vào cuối thế kỷ thứ 6 Công Nguyên, Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma đến Trung Hoa. Ngài đã ở lại Trung Hoa nhiều năm truyền bá dòng thiền. Sau khi Thiền Tông được hưng thịnh ở Trung Hoa, Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma quyết định quay về Thiên Trúc.

Trước khi vân du, Tổ Ðạt Ma họp các đệ tử lại và hỏi các đệ tử để xem ai là người đã thâm nhập giáo lý và có thể gánh vác Phật sự.

Tổ hỏi:

-"Ðạo ở đâu?"

Một người đệ tử bước ra thưa:

-"Theo con, chân lý nằm ở giữa Không và Có. Ta không thể nói đây là Ðạo mà cũng không thể nói đây không phải là Ðạo. Hình danh sắc tướng, thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy."


Tổ nói:

-"Ngươi được lớp da của ta."

Một đệ tử khác ra thưa:

-"Theo con thấy, chân lý là quay về tự tánh, hồi quang tự kỷ. Một khi ta đã thấy đạo rồi, chân lý hiển hiện, không bao giờ mất."

Tổ nói:

-"Ngươi được lớp thịt của ta."

Một đệ tử khác, thứ ba, ra thưa:

-"Ngũ uẩn là không, ngũ trần cũng không. Chân Không là Ðạo."

Tổ gật gù:

-"Ngươi được lớp xương của ta."

Cuối cùng, có một đệ tử bước ra đặt trán lên chân Tổ và yên lặng. Cặp mắt của người này không biểu lộ một điều gì và gương mặt thản nhiên bình lặng như mặt nước hồ thu không một gợn sóng.

Tổ nhìn sâu vào người đệ tử và nói:

-"Ngươi được linh hồn của ta, pháp ấn của ta."


Câu truyện này là câu trả lời của tôi. Có phải chăng Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma muốn nói:

"Ðạo mà còn nói lên được, có phải chăng là Ðạo?"


Theo "Pointing The Way" của Bhagwan Shree Rajneesh
Tỳ Kheo Ni Thích Nữ Minh Tâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét