Chủ nhà phải đứng trước cửa để "cất giùm" điện thoại. Các công ty phải ban hành chính sách "không mang theo thiết bị di động vào cuộc họp". Tại nhà trường, thầy cô phải tịch thu điện thoại của học sinh. Trong các môi trường vốn yêu cầu thái độ lịch sự và sự tập trung cao độ, phản ứng tiêu cực dành cho smartphone đang dâng trào.
Dĩ nhiên, chúng ta đang sống trong một xã hội tự do. Trừ các rạp chiếu phim, bạn khó có thể nghĩ ra một địa điểm nào đó mà con người nên bị cấm sử dụng điện thoại di động, và thậm chí quan điểm cấm smartphone trong rạp chiếu phim cũng đang bị lôi ra tranh cãi. Vào thời đại này, điện thoại chiếm mất vị trí mà con người ta vẫn dùng để bỏ bao thuốc lá. Trên đường đi, trong các công viên, trên xe bus, tàu hỏa, chúng ta bước đi cúi gầm mặt vào "bao thuốc lá" mới mang tên điện thoại – một "bảo bối" của chúng ta.
Không có ai không nhận ra điều này đã thay đổi cuộc sống nơi thành thị như thế nào. Một tín đồ du lịch sành công nghệ có thể sử dụng công nghệ số để "nâng cấp" cho trải nghiệm tại các thành phố lớn của mình. Cô ta có thể mở xem bản đồ có định tuyến, có thể tìm ra một cửa hàng nằm trong góc khuất, tìm ra tên một loại hoa có mùi hương rất lạ và thậm chí là tìm ra người kiến trúc sư đã thiết kế ra tòa nhà trước mặt. Cô ta có thể chụp lại ảnh tòa nhà này, chia sẻ lên Facebook với bạn bè, và như vậy tức là đã góp phần đóng góp vào cộng đồng số của mình.
Khó có thể phủ nhận được rằng cô gái này không hòa mình vào thành phố đang tới thăm. Trái lại, cô ta có thể hiểu rõ lịch sử và thông tin về thành phố này hơn tất cả những người đồng hành. Tuy vậy, tất cả các trải nghiệm của cô gái này về thành phố mới lại là "trải nghiệm second hand". Cô ta để lỡ mất những viên gạch đều đặn trên vỉa hè, để lỡ mất ánh mắt của những người dân xung quanh, và giới hạn toàn bộ trải nghiệm của mình từ 5 giác quan xuống còn 1. Cô gái bị chìm trong thế giới ảo trên màn hình smartphone mà quên mất rằng mình đang ở một thành phố thực sự.
Hãy thử nghĩ lại về một vụ giết người kinh hoàng trên đường tàu San Francisco. Vào ngày 23/9, trên một toa xe đông người, một gã đàn ông rút súng ngắn từ túi áo ra. Một tờ báo ghi lại: "Hắn giơ súng lên, ngắm vào đường đi, rồi đút lại vào túi áo. Hắn ta rút súng thêm vài lần, thậm chí còn dùng súng để gãi mặt. Những hành khách khác đứng cách hắn chỉ vài mét, nhưng không ai có phản ứng gì. Mắt của họ không rời khỏi smartphone và tablet cho tới khi thủ phạm bắn một phát súng vào lưng của một sinh viên trường San Francisco State đang rời khỏi toa xe".
Sự vụ đau lòng này là một ví dụ điển hình cho thấy những thay đổi to lớn mà không gian công cộng của chúng ta đang phải trải qua trong thời đại điện toán cầm tay. Có tới hàng nghìn câu chuyện khác, ít đau lòng hơn nhưng cũng phổ biến hơn, sẽ cùng nói với bạn một điều tương tự: Không một ai hiểu được không gian công cộng của thời đại mới, vốn đang bị xâm chiếm bởi những chiếc "hộp thuốc lá cảm ứng".
Lưỡi dao công nghệ thông tin đang cắt lìa con người khỏi không gian xung quanh mình. Nhà nghiên cứu đô thị Malcohm McCullough tuyên bố trong cuốn sách Sự chú ý trong thời đại thông tin hiện hữu của mình rằng: "Chưa bao giờ sự xao lãng lại trở nên toàn diện như hiện nay. Bị 'đóng gói' trong ô tô, thường đeo tai nghe, con người ít khi gặp nhau một cách tình cờ, và thậm chí còn chạy trốn khỏi những cuộc gặp mặt trực tiếp. Và khi chạy theo, cũng như khi được chạy theo bởi các trải nghiệm được thiết kế, những con người thành thị của thời hiện đại không bị bó buộc phải rời khỏi cuộc sống xã hội. Tự họ đã lớn lên theo cách đó. Thử thách đối với họ là phải kết nối trở lại".
McCullough cho rằng các thông tin "từ môi trường", ví dụ như các biển quảng cáo trên hè phố, nhạc bật trong siêu thị là một cuộc tấn công gây nhiễu sự chú ý của chúng ta. Nhưng ông cũng không phải là một người thợ chân tay đòi đập phá máy móc của thế kỷ 19, và cũng không phủ nhận những ý tưởng mạnh mẽ đến từ sự kết hợp của công nghệ và chủ nghĩa thành thị. Điều mà ông kêu gọi là "chủ nghĩa môi trường thông tin", cụ thể hơn là xã hội – các nhà hoạch định, các nhà kiến trúc, chính trị gia và cả những con người bình thường bao gồm chính chúng ta, cần chú ý và nghiên cứu sự trỗi dậy của các thông tin nhiễu tại thành thị, đặc biệt là từ smartphone.
Các công nghệ điện toán cá nhân được McCullough coi là "một sự mất tập trung đạt tới mức đỉnh điểm", song với nhiều người smartphone và tablet lại là tâm điểm của mọi sự chú ý. Chúng ta thường nghiên cứu vai trò của sức mạnh "kết nối" trên smartphone. Vai trò của smartphone đối với các không gian công cộng đang bị bỏ quên. Những người sử dụng smartphone tại nơi công cộng thường mang cảm giác rằng họ hoạt động một cách riêng tư, trong lúc chăm chăm vào màn hình smartphone thì chỉ có họ và thế giới của họ là "những điều kỳ diệu" ở trên màn hình smartphone mà thôi. Họ sống trong một "mảnh đất cá nhân, riêng tư và di động".
Con người ngày càng mất dần khả năng giao tiếp với xung quanh, họ tự cô lập bản thân và dần trở nên cô độc |
Chiến lược phát triển hiện nay đang là "kết nối tất cả mọi thứ": Sóng Wi-Fi phủ khắp mọi nơi, và người dùng cũng có thể dễ dàng tìm thấy các khe cắm sạc tại các địa điểm công cộng. Ngay cả Bill Gates cũng phản đối dự án "phủ Wi-Fi toàn cầu" của Google vì nó "không giúp ích gì nhiều cho cuộc sống thật" của con người.
Còn McCollough cho rằng không ai có thể đảo ngược lại "sự tự do" hiện có này. "Giới hạn thông tin là không chấp nhận được. Quyền kết nối của các cá nhân và các cộng đồng là không thể tách rời, không thể bị giới hạn, và không phải để đem bán". Bởi vậy, trách nhiệm "lọc" thông tin và hành xử lịch sự thuộc về từng cá nhân một.
Không phải ai cũng đủ bình tĩnh để suy nghĩ như vậy. Nhà báo Evney Morozov, trong khi đánh giá cuốn sách của McCollough, đã thể hiện sự đồng tình với quan điểm của nhà văn Hà Lan Christoph Lindner rằng các thành phố cần có những "điểm sống chậm" (slow spot), tương tự như những chiếc ghế chặn sóng Wi-fi mà (công ty bánh kẹo) KitKat xây dựng tại Amsterdam. Liệu, chúng ta có nên xây dựng những chiếc ghế như vậy trên diện rộng hay không?
Có 3 lý do để ủng hộ quan điểm này: Sự an toàn cho bạn, tính văn minh của xã hội và quan trọng nữa là sức khỏe của bạn. Lý do thứ nhất được ủng hộ hơn cả. 41 bang tại Mỹ đã cấm nhắn tin khi lái xe, và việc cấm nhắn tin khi đi bộ cũng đang được tranh cãi kịch liệt, sau hàng loạt vụ tử vong của người đi bộ vì xao nhãng khi tham gia giao thông. Năm ngoái, quận Fort Lee, New Jersey đã trở nên nổi tiếng trên toàn cầu vì ban hành chính sách "phát" vé phạt tới những người đi bộ cầm điện thoại trên tay và "đi nhầm" xuống đường cái. Arkansas, Illinois, Utah, New York và Nevada cũng đã đề xuất cấm sử dụng smartphone khi đi bộ, song vẫn chưa được chấp thuận.
Tại Nhật, mỗi năm vài chục người ngã từ sân ga xuống đường ray vì mải nhìn điện thoại. Các nhà ga phải bắc loa nhắc nhở người đi đường phải nhìn xung quanh, và thậm chí là cả các công ty điện thoại di động cũng đã bắt đầu giáo dục cho người dùng về sự nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại khi đi đường.
Việc lạm dụng smartphone cũng làm cho các không gian công cộng trở nên kém văn minh hơn rất nhiều. Một cây viết của tờ The Guardian thậm chí còn tuyên bố sẽ cố tình va vào những người dùng smartphone, để "dạy cho họ một bài học". Người mù tại Nhật than phiền bị va chạm nhiều hơn trước đây. Một người tại Seattle, Mỹ thậm chí còn bỏ lơ 3 người bạn của mình chỉ vì mải mê xem phim Homeland trên iPad. Smartphone đang làm xói mòn xã hội, tới mức mà các quán bar và café phải cấm cả smartphone và máy tính bảng.
Bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe giác quan của chúng ta – vốn có vai trò bảo vệ con người khỏi những bản năng tồi tệ nhất – là thử thách lớn hơn cả. Các công viên, vốn có vai trò hồi phục sức khỏe bằng cách bảo vệ chúng ta khỏi bụi bặm, tiếng ồn… cũng không chống đỡ nổi Internet. Việc chính bản thân bạn tắt điện thoại đi cũng không phải là một giải pháp thực thụ. Chúng ta nghiện nội dung số tới mức việc tự tắt Internet sẽ trở nên căng thẳng hơn rất nhiều so với bị ép không được sử dụng smartphone.
Nhìn chung, để giải quyết vấn đề smartphone, cả cộng đồng phải chấp nhận rằng việc sử dụng phương tiện số di động là một vấn đề của chung. Điều đó có nghĩa là smartphone của bạn làm tôi khó chịu.
Quan điểm của McCollough là con người cần tiếp cận vấn đề smartphone cũng giống như những phong trào chống quảng cáo, chống ô nhiễm ánh sáng và chống bụi trước đây. Morozov thì lại cho rằng chiến dịch đưa smartphone nơi công cộng vào quy củ cần học theo các phong trào chống tiếng ồn đô thị.
Nhưng trong khi rõ ràng ô nhiễm ánh sáng làm hỏng bầu trời, tiếng ồn và khói làm hại sức khỏe, tác hại của smartphone là không đủ rõ ràng để chúng ta nhận thấy nó một cách hữu hình. Ví dụ, trong quán bar, một người ngồi nhắn tin ở cách xa bạn có làm bạn khó chịu không? Nếu anh ta đang xem một bộ phim bạo lực hoặc đang đọc một quyển sách điện tử trên điện thoại thì sao?
Cần nhớ rằng, trong quá khứ, con người phải mất nhiều thập kỷ để xác nhận tác hại của hành vi của một cá nhân này đối với một cá nhân khác. Ví dụ, vào thế kỷ 19, hút thuốc nơi công cộng bị coi là làm phiền, song đến thế kỷ 20 hành vi này mới được chứng minh là làm hại sức khỏe của người khác và bị cấm.
Có vẻ như là, nếu chúng ta bị xâm phạm vì những người "hút thuốc bị động" thì việc phải "sử dụng smartphone bị động" cũng có thể gây khó chịu tương tự, thậm chí tác hại còn ghê gớm hơn: Dần chia tách con người khỏi thực tại! Câu hỏi lúc này là: Liệu xã hội chúng ta cần phải làm gì trước thực trạng này?
Lê Hoàng
Theo Salon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét