...Cũng giống như con sư tử hung tợn với một mũi gai trong lòng bàn chân, chúng ta cần có một vị lương y nào đó đến để rút mũi gai gây khổ đau ấy ra cho ta. Đức Phật chính là vị lương y đó...
Trong kinh Chấp trượng - Attadanda Sutta, đức Phật có nói đến nỗi sợ và sự bất mãn của Ngài đối với tình trạng của xã hội:
Kẻ ôm ấp bạo động
Sợ hãi được sinh ra,
Nhìn con người tranh chấp nhau,
Ta sẽ nói về nỗi sợ hãi,
Khiến Ta phải rùng mình.
Thấy loài người vùng vẫy,
Như cá trong nước cạn,
Thấy họ kình chống nhau,
Ta rơi vào sợ hãi.
Cảnh sát và người biểu tình ở Ferguson - Mỹ - 2014 |
Hình ảnh ấy - những con cá vùng vẫy trong ao nước cạn - dường như cũng vẫn còn diễn tả được rất chính xác tình trạng của chúng ta ngày nay. Trong khi tài nguyên của trái đất mỗi ngày bị hoang phí đi và số người tiêu dùng mỗi lúc lại tăng lên, tình trạng càng bi đát hơn. Ngay trong thời đức Phật dường như hoàn cảnh cũng đã tệ lắm rồi. Đức Phật thừa nhận nỗi “chán ngắt” của Ngài trước hoàn cảnh ấy, nhưng Phật cũng trình bày cho ta thấy con đường giải thoát, qua sự chứng ngộ của Ngài:
Thấy con người xung đột nhau,Ta cảm thấy chán ngắt,Nhưng Ta thấy có một mũi gai,Khó thấy, ghim vào tim.Ai bị mũi gai đâm,Sẽ chạy khắp mọi nơi,Ai rút mũi gai ra,Sẽ dừng lại, ngồi xuống(Sutta Nipata 935–39)
Cảnh sát và người biểu tình ở Hongkong |
Tuệ giác quan trọng này giúp ta hiểu rõ được quan điểm của đạo Phật về vấn đề tranh chấp và hòa bình. Xã hội của chúng ta được tạo nên bởi sự tổng hợp tất cả hành động của mọi cá nhân sống trong đó. Và vì vậy mà nó cũng chính là một phản ảnh của trạng thái tâm thức của mỗi cá nhân. Hạnh phúc trong tâm chúng ta sẽ tạo nên hạnh phúc của thế giới. Và sóng gió trong tâm chúng ta sẽ tạo nên những sóng gió trong cuộc đời. Những hành động nguy hại và tàn độc của con người trong cuộc sống thật ra được bắt nguồn bởi một nguyên nhân duy nhất.
Đó là sự tham ái.
Sự tham ái có hai hình tướng: dính mắc và ghét bỏ. Cái thứ nhất sẽ khiến ta đuổi theo và nắm bắt những gì mình ưa thích và giữ chặt lấy chúng. Cái thứ hai khiến ta trốn tránh, chống cự, hoặc tiêu diệt những gì mình không thích.
Sự dính mắc khiến chúng ta tiêu thụ mà không cần biết đến hậu quả, nó xúi giục ta chiếm đoạt những gì không thuộc về mình, và lợi dụng kẻ khác cho những lợi lộc cá nhân. Nó cũng là nền tảng của những cá tính tự cao, tự mãn, lừa lọc, ích kỷ và tham quyền.
Còn sự ghét bỏ thì thúc đẩy chúng ta tránh né những gì mình cảm thấy khó chịu, xua đuổi hoặc kỳ thị những người ta không thích, và đánh đổ những gì ta sợ hãi hoặc không hiểu rõ. Nó là nền tảng của những hành động sai lầm như là bạo động, tàn nhẫn và kỳ thị.
Nhưng chúng ta có thể rút những mũi gai này ra khỏi tim mình. Nó chỉ là một mũi gai, khiến ta như phát điên lên với những nỗi đau và sự sợ hãi, nó thúc đẩy ta làm tổn thương và thù ghét kẻ khác, nó khiến ta không còn tiếp xúc được với bản chất tốt lành của chính mình. Cũng chỉ vì mũi gai ấy.
Cũng giống như con sư tử hung tợn với một mũi gai trong lòng bàn chân, chúng ta cần có một vị lương y nào đó đến để rút mũi gai gây khổ đau ấy ra cho ta. Đức Phật chính là vị lương y đó. Đức Phật đã chẩn bệnh và thấy rằng vấn đề là do ở tham ái - nó đã ăn rất sâu trong tâm khiến ta khó nhận thấy - và phương thuốc của Ngài là ta chỉ cần đơn giản có ý thức về vấn đề của mình.
Phật dạy chúng ta cần áp dụng liều thuốc ấy thường xuyên và bằng những liều lượng thật lớn. Vì năng lượng của tham ái được nằm sâu kín trong phần vô thức của tâm ý, cho nên chúng ta cần phải thực tập mang ý thức sáng tỏ trở về có mặt trong mỗi giây phút hiện tại. Chúng ta chỉ cần thực tập nhìn thấy sự vật cho thật rõ rệt mà thôi, tiến trình chữa lành và hàn gắn vết thương sẽ xảy ra rất tự nhiên.
Để chữa lành những vết thương gây nên do mũi gai tham ái, đức Phật có trao cho ta toa thuốc về thiền tập chánh niệm, tức sự quán sát quá trình sinh diệt của mọi việc xảy ra. Khi ta có thể thật sự thấy rõ được những gì đang xảy ra trong ta, tuệ giác sẽ dần phát sinh. Nguyên tắc thực tập này rất đơn giản, nhưng nó đòi hỏi một công phu lớn.
Cũng vậy, muốn chữa lành vết thương của thế giới này, tôi thấy ta cũng có thể sử dụng cùng một toa thuốc ấy. Phương pháp để chúng ta có thể mang một chánh niệm cộng đồng soi chiếu lên trên một kinh nghiệm hay vết thương chung nào đó là chúng ta hãy làm chứng nhân và chia sẻ những gì chúng ta nhận thấy với những người khác.
Khi những nguyên nhân buồn đau trong ta được phơi bày thì vết thương của mình cũng sẽ bắt đầu được chữa lành. Và cũng thế, khi những bất công và tàn nhẫn trong xã hội được phơi bày, không còn bị che đậy, chúng sẽ có một ảnh hưởng chuyển hóa lớn lao và sâu rộng đến thái độ chung của cộng đồng thế giới.
Theo lời dạy của đức Phật, thế giới chúng ta được che chở và bảo vệ bởi hai vị thủ hộ, hai năng lực trong tâm lúc nào cũng xem chừng và hướng dẫn hành động thiện lành cho ta.
Vị thủ hộ thứ nhất là hiri, sự hổ thẹn, hay tàm, có liên quan đến lương tâm, lòng tự trọng, nghĩa là biết hổ thẹn khi làm điều không tốt. Nó nói về một chức năng trong tâm ta có khả năng phân biệt giữa thiện và bất thiện, đúng và sai, tốt lành và nguy hại. Trong mỗi chúng ta đều có một kim chỉ nam đạo đức, và theo quan điểm của đạo Phật thì nó không phải là nguyên nhân phát sinh ra các tôn giáo, mà các tôn giáo chính là hình thái diễn đạt của nó.
Vị thủ hộ thứ hai là ottappa, sự xấu hổ, hay quý, có liên quan đến một lương tâm xã hội, một cảm nhận đạo đức thuộc văn hóa hay quy ước cộng đồng, khiến ta biết sợ hãi hay xấu hổ khi những việc xấu ác ta làm bị người khác biết được.
Đạo Phật dạy rằng, bất cứ những việc làm thiện lành nào cũng đều phải có sự nâng đỡ và hướng dẫn bởi hai vị thủ hộ này. Và ngược lại, những hành động bất thiện của ta đều do thiếu vắng hoặc xem nhẹ hai đức tính ấy. Vì vậy, khi có một vấn đề sai lầm đáng trách nào xảy ra trong xã hội hay cá nhân, nó cũng có nghĩa là vì ta thiếu ý thức, không có chánh niệm về những việc mình đang làm mà thôi. Nó có nghĩa là ta đang bị những tham muốn, sân hận, hoặc mê mờ che đậy, khiến ta không còn có thể có mặt và tiếp xúc với những việc làm của mình nữa.
Khi ta mang chánh niệm và ý thức sáng tỏ chiếu soi lên trên vấn đề - với một năng lượng đúng mức, một cường độ đúng mức và với một sự chân thành đúng mức - tự nhiên chúng ta sẽ tránh không làm bất cứ việc gì có thể gây nên khổ đau cho mình và kẻ khác.
Điều tôi trình bày có vẻ lý tưởng quá chăng? Tôi không nghĩ vậy. Điều này có gốc rễ rất sâu xa trong một tuệ giác về tự tánh của con người. Bây giờ bạn và tôi, chúng ta hãy bỏ thêm thì giờ trên chiếc toạ cụ chung (collective zafu) của chúng ta, và đem ánh sáng chánh niệm chiếu soi vào những góc tăm tối của cuộc đời. Chúng ta có thể chuyển hóa hết mọi khổ đau trên thế giới này. Chỉ cần mỗi người chúng ta bắt đầu khởi động tiến trình ấy trong tâm mình mà thôi, và phần còn lại sẽ xảy ra rất tự nhiên.
Andrew Olendzki
(trích Đức Phật Bên Trong – Nguyễn Duy Nhiên tuyển dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét