Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

AI CHẾT ?

Khi một đứa trẻ mới sinh ra đời thì cha mẹ, ông bà, gia đình đều vui mừng. Khi một người già, hoặc bệnh, hoặc bị tai nạn chết thì những người thân đều đau buồn, thương tiếc. Sinh tử, sống chết là hai mặt của cuộc đời, giống như hai mặt của đồng tiền, không thể tách rời. Sinh là bắt đầu sự sống, và chết là chấm dứt sự sống. Sinh là xuất hiện, chết là biến mất. Có sinh thì phải có chết. Nhưng chết rồi thì sao? Và ai chết? 

Xưa nay người ta đều nghĩ chết là hết, tim ngừng đập, thân thể lạnh ngắt, để lâu sẽ thối rữa nên phải đem chôn hoặc thiêu, và sau đó người chết không còn hiện hữu nữa. Thế nhưng những nhà "ngoại cảm" có khả năng thấy và tiếp xúc được với họ, như vậy thì họ vẫn còn "sống", vẫn còn hiện hữu dưới một hình sắc vi tế mà mắt trần không thấy được.

Giả dụ xưa nay bạn chưa hề biết đến những nhà "ngoại cảm" và chỉ tin kinh Phật thôi, thì trong kinh cũng nói sau khi chết, chúng sinh đi tái sinh trong sáu nẻo luân hồi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, A tu la, trời. Và như thế thì "sự sống" của chúng sinh đâu bao giờ chấm dứt, chỉ có thay hình đổi dạng, thay quần đổi áo. Nếu tạo nghiệp thiện thì khoác áo người, A tu la, trời. Nếu tạo nghiệp ác thì phải khoác áo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.




Ở đây chúng ta không phủ nhận sự sống và chết, bởi vì đó là những hiện tượng có thật. Người sống thì đi đứng, nói năng, làm việc, còn người chết thì nằm cứng đơ, không nhúc nhích. Nhưng sự sống và chết mà chúng ta vừa nói chỉ là sự bắt đầu và chấm dứt của một thể xác (mà mắt thịt trông thấy được), không phải của một con người, hay một chúng sinh. 

Xưa nay chúng ta lầm chấp con người và thể xác là một, tự cho mình là xác thân, và xác thân chính là mình. Vì lầm chấp như vậy, nên khi xác thân tan rã thì tưởng là mình chết. Nhưng xác thân được cấu tạo bởi các nguyên tử thô trọc, và điều khiển bởi cái tâm vi tế. Đến khi sinh lực (hay mạng căn) là chất keo, cột thân với tâm, tiêu mòn thì thân và tâm tách rời nhau.




Thuở xưa có những đạo sĩ luyện đơn làm thuốc trường sinh bất tử, vì họ không muốn chết, nhưng họ chỉ làm được tối đa là trường sinh bất lão, giữ cho thân thể trẻ trung tới vài trăm tuổi nhưng rồi cũng đến lúc nó phải tan rã.

Trong thiền tông dạy chúng ta trở về sống với ông chủ (hay bổn lai diện mục 本來面目), có nghĩa là nhớ lại mình vốn là cái tâm bất sinh bất diệt. Tâm tự nó không sinh diệt, không bao giờ chết, nhưng vì chúng ta quên mất cái tâm (nói rõ hơn là tâm tự quên mất bản chất của nó) và tưởng mình là cái thân, nên khi mất thân này thì lo sợ, mau đi tìm thân sau để gá vào. 

Theo quy ước thế gian, khi tim ngừng đập thì gọi là chết, nhưng theo chân lý tuyệt đối thì chẳng có Ai chết cả.




Bạn chưa hề chết và sẽ không bao giờ chết. Bạn chỉ thay quần đổi áo mà thôi! Bạn đã hiện hữu từ vô thỉ, và sẽ tiếp tục hiện hữu dưới nhiều hình thức khác nhau. Người thân của bạn cũng vậy, họ không bao giờ chết, khi tắt thở họ chỉ rũ bỏ một bộ áo cũ để bước sang một cảnh giới khác và tiếp tục sự sống. 

Có những người nghĩ chết là hết, không còn gì cả, đó là chấp đoạn.
Có những người nghĩ sau khi chết, mình sẽ còn hoài trong cõi âm hoặc lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục, nếu là người nam thì sẽ mãi là người nam, nếu là người nữ thì sẽ vĩnh viễn là người nữ, nếu là vua thì sẽ là vua, nếu là thường dân thì sẽ mãi là thường dân, v.v... lúc sống là cái gì thì sau khi chết sẽ vĩnh viễn là cái đó không thay đổi, đó là chấp thường.

Nói bạn không bao giờ chết, đây không phải là chấp thường, mà là hằng hữu và hằng chuyển, trong Duy Thức Học gọi là "hằng chuyển như bộc lưu". Bạn là sự biểu hiện (manifestation) của dòng tâm thức trôi chảy bất tận. Bạn vừa là nước mà cũng vừa là sóng. Sóng có to có nhỏ, có lên có xuống, nhưng dù to nhỏ hay lên xuống, bản chất thật sự của sóng vẫn là nước. 


William de Leftwich Dodge : The Death Of Minnehaha.
Nếu bạn sợ chết thì nên nhớ rằng chỉ có cái thân chết chứ tâm không bao giờ chết. Bạn chính là cái tâm vô sinh diệt. Điều quan trọng là khi còn mang thân này, bạn có làm được điều gì an vui, lợi ích cho chính mình và kẻ khác không? Có học hỏi được gì trong "trường đời" để tiến hóa không? Nếu học hỏi và làm lợi ích cho mình và người thì sau khi cởi bỏ cái áo cũ tứ đại này, bạn sẽ khoác vào một cái áo mới tốt đẹp hơn. Nếu chỉ lợi mình mà hại người thì lần tới bạn sẽ khoác vào một cái áo tệ hại hơn như áo trâu, bò để kéo cày trả nợ, hoặc những áo tàn tật, bệnh hoạn để kinh nghiệm sự khổ đau mà bạn đã gieo cho người khác. Bài học lớn nhất trong trường đời chính là sự thương yêu, biết hy sinh và giúp đỡ kẻ khác.

Thích Trí Siêu
Trích Dòng Đời Vô Tận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét