Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

TRÁI GIÁC

Tối nay tìm một chương trình mới để xem, master chef VN cũng xem hết, đầu bếp đỉnh, ai là triệu phú, đấu trường 100,..xem cũng gần hết, thấy trên mạng quảng cáo chương trình "Chiếc Thìa Vàng 2015" nên tìm xem thử.
Hôm nay xem mấy clip thi vòng sơ kết miền nam, xem đến clip "Vòng Sơ kết khu vực Đông Nam bộ", có một đội nấu canh chua với gia vị chua chính là "trái giác", tôi thấy lạ vì trước nay chỉ biết muốn để chua người ta hay dùng me, chanh, khế, bần,...Nên lên mạng tìm hiểu xem.
TRÁI GIÁc:
-Tên gọi khác: Dây vác, Dây sạt
-Tên tiếng Anh: Three-leaf cayratia, Slender watervine.
-Tên khoa học: Cayratia trifolia (L.) Domin
-Tên đồng nghĩa:
Vitis trifolia L.
Cissus trifolia (L.) K. Schum.
Miệt đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều trái giác, nó mọc hoang chẳng ai trồng, có người gọi là "nho rừng", trái giác được dùng để nấu canh chua và làm rượu.



RƯỢU TRÁI GIÁC:
Rượu trái giác là một loại rượu được sản xuất từ trái giác (Cayratia trifolia). Nguyên liệu chính để sản xuất rượu trái giác là Trái giác, đường và rượu.
Để sản xuất loại rượu này, người ta dùng trái giác ủ chung với đường để lên men. Sau một thời gian lên men, từ hỗn hợp này sẽ cho ra đời một loại mật có màu đỏ tím và mùi vị rất ngon. Tùy vào mục đích sử dụng mà người ta có thể dùng mật mày để pha chế thành các sản phẩm khác nhau.
Rượu trái giác được sản xuất bằng công nghệ lên men tự nhiên do đó sẽ lưu giữ những gì tinh túy nhất của trái giác rừng, một loại trái cây đặc trưng của vùng đất U Minh Thượng, Kiên Giang.



Trái giác từ xưa đã được dùng làm một loại gia vị đặc biệt trong các món ăn của người dân vùng U Minh. Trái giác được dùng không chỉ vì hương vị đặc biệt của nó mà còn là vì những tác dụng dược học của nó đối với cơ thể con người.
Ông cha ta có câu: khách tới nhà không trà cũng rượu. Do đó, đến với vùng đất U Minh, ngoài những giây phút thoải mái khi được đắm mình vào thiên nhiên ra, bạn còn có thể thưởng thức được món rượu Trái giác, một đặc sản của vùng đất U Minh Thượng, được cơ sở sản xuất rượu thủ công Nguyễn Mai sản xuất, đây cũng chính là món quà mà cơ sở muốn dành tặng cho các bạn phương xa và cũng là món quà mà bạn có thể mua để tặng cho những người thân yêu của mình, minh chứng cho một lần đến U Minh. (theo Wikipedia)
Mời các bạn đọc bài đăng trên mạng "Lãng Mạn Miền Tây" nói về trái giác:



TRÁI GIÁC MÙA SA MƯA

Ai về thăm lại chốn xưa
Đồng xa nhớ lắm mùa mưa đây rồi
Vẳng nghe trong tiếng à ơi!
Sa mưa trái giác ngọt nồi canh chua...


Nói đến món ăn trong bữa cơm thường ngày của người dân miền Tây chắc nhiều người sẽ cho rằng món canh chua là phổ biến nhất.
Vị chua cho nồi canh ở xứ sở này được tạo từ cây trái đồng quê. Hàng chục loại để làm vị chua như: lá me, lá giang, lá giấm cùng với các loại trái như: trái bần, khế, chùm ruột... Nhưng có lẽ, vị chua của trái giác khiến nhiều người nhớ đến, bởi nó vừa dân dã vừa dễ tìm và cái vị chua nhẹ nhàng, thanh khiết của trái giác không lẫn với vị chua nào khác.
Mùa sa mưa, cũng là lúc dây giác sinh sôi rất nhiều ở những cụm rừng chồi, chúng leo toòng teng tựa như những giàn nho. Vị của trái giác cũng tùy theo độ trưởng thành mà chua chát, chua thanh hay chua ngòn ngọt.



Sa mưa cũng là mùa giăng lưới, cắm câu, đặt trúm... Lúc ấy cá đồng, lươn bắt đầu mập mạp và thơm ngon nhất trong năm.
"Mùa nào thức nấy" là cách nói chơn chất của người dân miền Tây và đó cũng là nét văn hóa ẩm thực rất riêng của vùng đất này. Người ta dựa trên vòng tuần hoàn của thiên nhiên mà chế biến những món ăn lạ miệng, hấp dẫn. Riêng với trái giác nấu canh chua theo người miền Tây thì nấu với lươn hoặc cá rô mề cùng với bông súng là ngon nhất.
Người dân quê làm lươn bằng tro bếp vừa sạch nhớt vừa giữ được nguyên vẹn màu sắc tự nhiên của da lươn. Mọi thứ đã được làm sạch, chỉ còn bắc nồi nước và bỏ nguyên từng chùm trái giác vào, có lẫn vài chùm trái chín cho nồi canh phơn phớt màu tím, lạ mắt và hấp dẫn. Chờ nước sôi vài dạo cho trái giác chín mềm vớt ra dằm, rồi lược lấy nước chua. Bỏ lươn, cá vào đợi vừa chín tới là cho bông súng vào rồi nhắc nồi xuống để cọng bông súng được giòn và ngọt.


Canh chua trái giác nấu với lươn thì người dân quê có thói quen nêm vào nồi canh bằng lá ngò gai và ớt. Người sành ăn bảo canh chua lươn trái giác mà nêm thứ rau mùi khác không hợp, bởi cái mùi của lươn, của trái giác khác hơn mùi cá, mùi me. Trong cái chua dìu dịu, thanh khiết, trái giác còn tạo cho nồi canh một mùi thơm là lạ, hợp với thịt lươn.
Còn nồi cá kho, bỏ vào vài chùm trái giác sẽ cho hương vị lạ, thơm ngon. Và, có nếu có thêm đĩa đọt choại luộc để chấm vào sẽ cảm nhận nơi đầu lưỡi cái vị mằn mặn, ngòn ngọt, chua chua, đậm đà khó tả…
Tuổi thơ của biết bao người ở miền quê này khó có thể quên bàn tay tắm mát của bà của mẹ trong những buổi trưa hè. Dây và lá của trái giác nấu lên lấy nước tắm cho trẻ em bị rôm sẫy là bài thuốc dân gian được lưu truyền chắc đã lâu lắm rồi. Cũng có lẽ vì thế mà những ai xa quê vẫn mãi mang theo trong ký ức cái mùi hương dịu ngọt ấy…



Mùa sa mưa ở thôn quê miền Tây luôn gắn với những kỷ niệm tuổi thơ của nhiều người. Rồi từ quê nghèo ấy có người ra đi và mang theo mình biết bao điều để nhớ về đồng đất quê nhà... Cái đồng quê xa ngái ấy, cái chái bếp vấn vương làn khói lam chiều ấy… luôn nhắc ta nhớ về cái hương thơm nồng của nồi canh chua trái giác trong những ngày mưa dầm…
Cái mùi hương ấy đã góp phần tạo ra máu thịt, nuôi dưỡng tâm hồn ta lớn thêm. Và, cái hồn cái quê chan chứa yêu thương ấy đã thấm vào miền ký ức ngọt ngào để mà nhớ mãi…
Theo: Ký ức miền Tây
(Sưu tầm trên mạng)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét