Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

HOA SỞ

Tối nay ngồi xem tập đầu tiên của chương trình "Giọng ải, giọng ai" vui quá vui, xem xong thì chuyển tiếp tục chương trình "Đừng để tiền rơi". Một câu hỏi tôi rất là thắc mắc. Câu hỏi như thế này: "Năm 2015, tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức lễ hội hoa đặc trưng của vùng đất Bình Liêu. Đó là hoa gì?". Có 3 đáp án: Hoa Tuyết - Hoa Sở - Hoa Trà, và cũng có thêm tấm hình minh họa.

Tôi không cần nhìn đáp án, tấm hình xuất hiện trước, tôi đáp ngay là hoa Trà vì từ lá đến hoa giống y như cây hoa Trà trong sân nhà tôi cũng như hàng xóm dù của tôi có hoa màu hồng, một loài hoa rất phổ thông trong các sân nhà ở Úc mà họ gọi là Camellia. 




Vậy mà sai đó bạn, đó là hoa Sở, một loại hoa lúc còn ở Việt Nam tôi chưa từng nghe qua. Tức quá tôi lên mạng tìm xem sao lại sai?




Lên mạng lục lọi một hồi, đối chiếu hình ảnh, bài viết mới biết trà mà mình uống hàng ngày cùng với cây hoa Trà hoa Sở đều là cùng là bà con cùng họ Chè (Theaceae) nhưng khác chi. Trà uống tên khoa học là Camellia Sinensis, trà kiềng là hoa Trà hay còn gọi là hoa Trà Mi có tên khoa học là Camellia Japonica, loại này đa dạng đa sắc, hoa có nhiều cánh, còn hoa Sở tên khoa học là Camellia oleifera, hoa trắng nhụy vàng và cánh ít hơn hoa Trà.




Theo trang mạng của Y Học Cổ Truyền như sau:

Sở dầu

Sở dầu, Du trà, Chè dầu - Camellia oleifera Abel (C. drupifera Lour.), thuộc họ Chè - Theaceae.
Mô tả: Cây gỗ lớn cao 11m, thân to 8-12cm, xám xám. Lá có phiến to 6-8 x 2,5-4,5cm, hơi dày, không lông. Hoa màu trắng, xếp 1-2 ở nách lá ở cuối các nhánh; không cuống, rộng 5-6(9)cm; lá bắc và lá đài 6-7 hình bán nguyệt, dài 7-9mm, lưng có lông tơ bạc; cánh hoa dài 3,5cm; nhị nhiều, bao phấn lõm ở đầu; bầu tròn, có lông trắng, vòi nhuỵ 3-4, rời nhau từ gốc. Nang 3-4 mảnh, mập, to 3-5cm, có lông vàng; hạt dài 2,5cm.
Ra hoa tháng 6-8.
Bộ phận dùng: Dầu hạt, rễ, vỏ - Oleum, Radix et Cortex Camelliae Oleiferae. Dầu có tên là Du trà du
Nơi sống và thu hái: Cây được trồng ở Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây được trồng ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ. Người ta thu hái quả vào mùa thu, phơi khô, đập lấy hạt, gia công cất lấy dầu. Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, phơi khô. Người ta sử dụng cả khô dầu.
Thành phần hoá học: Hạt chứa dầu béo 30% chủ yếu gồm các acid béo.
Tính vị, tác dụng: Rễ, vỏ có vị ngọt, tính bình; có tác dụng tán ứ tiêu thũng, hoạt huyết chỉ thống. Dầu hạt vị ngọt, đắng, tính ấm; có tác dụng nhuận tán, hoạt trường, sát trùng giải độc. Khô dầu vị ngọt, có độc, có tác dụng sát trùng.
Công dụng: Cây được trồng lấy hạt cho dầu, dùng ăn được hoặc dùng trong công nghiệp. Quả dùng để duốc cá. Rễ cây được dùng trị viêm hầu cấp, đau dạ dày, bong gân; rễ và vỏ dùng trị gãy xương, sái trẹo chân. Dùng 30-60g, dạng thuốc sắc. Dầu hạt dùng trị táo bón, tắc ruột co thắt, đau bụng do giun đũa.
Dùng ngoài trị bệnh về da đầu, mụn nhọt và bỏng.
Khô dầu dùng ngoài trị bệnh ngứa da, diệt ruồi xanh.


Mời các bạn đọc bài giới thiệu sau đây:


LỄ HỘI HOA SỞ ĐẦU TIÊN Ở QUẢNG NINH

Khi mùa đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao (huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.




Hoa sở là loại cây được trồng nhiều ở vùng núi cao Bình Liêu. Trên các cánh rừng, xóm làng, những con đường hoa sở nở một màu trắng tinh khiết.


Hoa sở thuộc giống chè, nhưng người ta không thu hoạch lá mà lấy hạt ép tinh dầu, mang đến giá trị kinh tế khá cao. Tinh dầu sở sau khi sơ chế được mang đến nhà máy đóng dầu ăn, từ đó xuất ra thị trường.


Hoa sở nhụy vàng, bông trắng với cánh kép, thường nở cùng một đợt tạo ra những "bức tường hoa", "thảm hoa" chen nhau, trải dài... Đứng từ trên núi nhìn xuống, bạn sẽ thấy một cánh rừng toàn hoa trắng.


Lễ hội hoa sở được tổ chức trong hai ngày 28 và 29/11, tại thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu. Ngày hội hoa sở năm 2015 với chủ đề "Biên giới trắng ngần hoa sở", thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách trong, ngoài tỉnh.

Lễ hội hoa sở nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống nổi bật cũng như giá trị cảnh quan, kinh tế từ cây sở. Hoa sở nở rộ, cũng là dịp người dân địa phương mừng lễ cơm mới.


Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao đặc sắc, như: Thi trưng bày mâm cơm mừng mùa cơm mới truyền thống, thi gói bánh coóc mò bằng lá bông chít, thi giã gạo…


Tục thi giã gạo truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Bình Liêu. Người dân sử dụng khúc gỗ dài như một chiếc bập bênh, một đầu là chày, đầu kia dành cho người đứng chân lên để giã. Mỗi khi dùng chân ấn xuống rồi thả ra, chiếc chày ở đầu kia lại nhấc lên và giã xuống cối. Thông thường, công việc giã gạo được sự hợp sức của hai đến ba người.


Sau khi giã xong, người ta dùng sàng để lọc ra gạo, cám và vỏ trấu.


Tục thi gói bánh coóc mò bằng lá bông chít.


Theo phong tục, lễ tết cơm mới bắt đầu từ ngày 10/10 âm lịch đến hết tháng 10. Mừng cơm mới với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động, là lễ cảm tạ trời đất, ông bà tổ tiên, cầu mong cho gia đình, dân bản no ấm, khỏe mạnh.


Thiếu nữ các đồng bào dân tộc trong ngày hội hoa sở.


Đường đến để chiêm ngưỡng hoa sở cũng không quá khó khăn, chỉ cần chạy dọc quốc lộ 18C là đến đất Bình Liêu. Đây cũng là địa điểm thích hợp cho các bạn trẻ đi du lịch dịp cuối tuần, hay những tay máy mê săn ảnh đẹp ở huyện miền núi này. Hiện nay các phương tiện giao thông đi lại khá thuận lợi.

Minh Cương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét