Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

NGƯỜI ĐẾN TỪ TRIỀU CHÂU

Trong thời gian qua, tôi đã post rất nhiều bài viết về những đóng góp của người Việt gốc Hoa cho đất nước Việt Nam, nơi mà họ đang sống trong nhiều lãnh vực. Cuộc sống của họ đã gắn liền với đất nước Việt Nam, họ chấp nhận hòa nhập với nền văn hóa Việt và một ít văn hóa của họ vẫn được người Việt chấp nhận đầy thiện cảm. Ngày trước dân Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hà Tiên,,..nói chung là miền Nam bộ, nơi có nhiều người Hoa đến định cư với người Việt. Tình nghĩa lắm, người "Việt gặc" vùng đồng bằng sông Cửu Long thường dùng từ "hia", "chế" để gọi người Hoa vì ở đây có rất nhiều người Triều Châu mà nó đã trở thành câu nói cửa miệng xã giao dù bạn là "người Hoa hay Việt", nơi ít khi dùng từ "ba tàu" hay chẳng bao giờ có từ "tàu khựa" mà chỉ bây giờ mới có, từ này xuất hiện từ những người Việt quá "gay gắt" với chính trị hiện tại mà "vơ cả nắm".

Việt cũng có nhiều thứ "Việt" và Tàu cũng có nhiều thứ "Tàu", nói năng cẩu thả quá thì Tàu nào cũng ghét nói chi người Việt chân chính chắc cũng không ưa. Ở đây không có mục đích chính trị nghe các bạn không thích thì đừng đọc tiếp, comment chửi bới là bị xóa ngay. Tôi thuộc loại "độc tài tại chỗ".




Như các bạn đã biêt, tôi là người gốc Triều Châu nên nếu binh người Tiều một chút chắc cũng không sao mà. Hồi nhỏ tới lớn, tôi chưa từng vào trường Hoa kiều, tôi học thuần văn hóa Việt, bạn Việt và tâm tư tình cảm cũng thấm nhuần như người Việt. Ở nhà nói tiếng Việt và chỉ biết chút ít tiếng Tiều để nói vài lời với bà nội tôi vì bà không nói được tiếng Việt. Thời trung học đệ nhất cấp, lúc đó học trường Bồ Đề ở Cần Thơ, có ông thầy dạy cổ văn (thời đó môn văn có Kim văn, Cổ văn và Tập làm văn) bắt tụi tôi chép cả bài bằng chữ Hán, học thuộc lòng bài Hán Việt và phải trả bài. Các bạn khác thì cho là khó nhưng tôi lại thích và sau này vào trường Khải Trí dạy giờ từ 1974 thì như "cá gặp nước" học thêm nhiều lắm nhưng chỉ là từ Hán Việt. Sau này ra qua Úc (1979) không có gì xem, mướn phim tập Hồng Kong xem vì có vợ Tàu, riết rồi biết tiếng Quảng Đông hồi nào mà chẳng biết (thuộc loại giỏi nhe), từ từ giao tiếp với người Miên gốc Tiều rồi tự nhiên tiếng Triều Châu như trở lai và nhiều thêm.



Thôi! Không kể nữa lòng vòng như tự giới thiệu bản thân. Chuyện là như thế này hôm nay lên mạng đọc được bài này nói về người Triều Châu, thấy rất lạ vì chưa từng biết qua. Lạ nên giới thiệu cho các bạn. Tin có chính xác hay không thì tôi chẳng biết nhưng có một tin tức như vậy thì đọc chơi cho biết cũng chẳng sao phải không?


NGƯỜI ĐẾN TỪ TRIỀU CHÂU

Đó là tên một bộ phim truyền hình, cũng là một bài nhạc Hoa nổi tiếng mà chắc là nhiều bạn đã nghe qua.

Thôi thì trước khi đọc nội dung bài này bạn hãy nghe thử để thư giãn nhé






Ở Việt Nam có một xứ sở rất nhiều người Triều Châu, nhiều đến nỗi được thể hiện qua ca dao:

Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu


Đúng rồi, đó là xứ Bạc Liêu.

Thế kỷ 18, Mạc Cửu đã biến Hà Tiên thành một khu tự trị phồn thịnh và xin thần phục chúa Nguyễn. Đến đời Mạc Thiên Tích, nhiều lưu dân người Hoa theo chân họ Mạc xuôi thuyền vượt biển về phương Nam, từ Hà Tiên tiến ra khai khẩn đất hoang, trong đó người Triều Châu chiếm đa số ở vùng đất sau này là Bạc Liêu.


Mùa đông năm Nhâm Dần (1802) có một chú bé người Triều Châu bơ vơ tên Cao Cần Thiệt vượt biển đến Hà Tiên theo Mạc Thiên Tích. Cậu nhận lệnh đi khai khẩn đất hoang để chủ động lương thực cho trấn Hà Tiên. Cùng 3 người đồng đội, Cao Cần Thiệt đến vùng rừng hoang sau này là Vĩnh Lợi, thuộc Bạc Liêu, bổ nhát cuốc đầu tiên để tạo nên xứ sở mới.



Cao Minh Thạnh, người con của ông tổ họ Cao (Cao Cần Thiệt) tiếp nối sự nghiệp của cha khai khẩn đất hoang làm Bạc Liêu trở nên trù phú. Họ Cao đã sở hữu hàng chục ngàn hecta đất. Cao Minh Thạnh được phong hàm đốc phủ sứ, ở Bạc Liêu có một con kinh mang tên ông (kinh Cao Minh Thạnh).

Người con thứ năm của ông Cao Minh Thạnh, Cao Triều Phát sau này đã trở thành một huyền thoại (nhà văn Lê Thành Chơn gọi ông là Huyền thoại đất phương Nam).

Người đến từ Triều Châu Cao Triều Phát đã trở thành một người yêu nước Việt Nam kỳ vĩ. Là một đại điền chủ, một nhà trí thức (ông đã từng sang Pháp học tập), ông sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi theo con đường cứu nước. Về mặt tôn giáo, Đức Cao Triều Phát là một lãnh tụ tôn giáo với hàng trăm ngàn tín đố. Ông là Chưởng quản Cửu trùng đài của Cao Đài 12 phái thống nhất (giống như thủ tướng chính phủ của nhà nước). Ông còn là chủ nhiệm danh dự kỳ bộ Việt Minh, cố vấn đặc biệt Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam...

Cố thủ tướng Võ văn Kiệt nói:Tôi tham gia cách mạng nếu có mất mát thì cũng chẳng mất mát thứ gì, còn những người như cụ Cao Triều Phát thì mất mát lớn lao. Họ đã đánh đổi cuộc sống giàu sang để vì sự nghiệp chung của dân tộc.

Tên của ông Cao Triều Phát đã được đặt cho một con đường ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

Nói đến Bạc Liêu, người ta hay nhắc đến công tử Bạc Liêu và đến tham quan ngôi nhà ngày xưa của gia đình công tử Bạc Liêu (Trần Trinh Huy, công tử Bạc Liêu là con trai của ông Trần Trinh Trạch, cũng là người Triều Châu).



Thế nhưng còn một ngôi nhà khác, của người đến từ Triều Châu, cũng là người giàu nứt đố đổ vách xứ Bạc Liêu mà chúng ta ít được nghe nhắc, đó là phủ thờ dòng họ Cao Triều. Dòng họ có công lớn khai phá đất Bạc Liêu và nổi tiếng không phải vì xài sang mà vì là lãnh tụ tôn giáo đáng kính trọng và có tấm lòng yêu nước đến thành huyền thoại.

Ngôi nhà này được xây từ đầu thế kỷ trước (1914), kiến trúc độc đáo, còn gần như đầy đủ nội thất từ xưa. Và hơn hết, nó chứa cả chiều sâu lịch sử....

Ghi chú cuối cùng: người trình bày ca khúc Người đến từ Triều Châu ở trên là ca sĩ Trường Vũ, anh là người quê Bạc Liêu, và gốc là người Triều Châu!



Phạm Hoài Nhân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét