"Chè xanh thêm chút gừng cay
Cu Đơ Hà Tĩnh làm say lòng người".
Khắp quê hương Việt Nam, mỗi vùng miền đều có đặc sản hương quê riêng, khi nhắc đến Thái Bình, người ta nghĩ ngay đến món Bánh Cáy, hay về Hải Dương được mời bánh Đậu xanh.... Còn nếu bạn đang dừng chân tại Hà Tĩnh thì không thể không ghé qua mua ít kẹo Cu Đơ về làm quà. Một đặc sản nổi tiếng của vùng quê gió Lào, một cái tên để nhớ để thương, góp nên nỗi nhớ “ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh” của những người con xa phương.
Nguồn gốc cái tên “Cu Đơ” cũng xuất phát lâu lắm rồi, bắt đầu từ vùng Hương Sơn - Hà Tĩnh. Có người kể rằng từ thời Pháp thuộc, kẹo do ông Cu Hai (Cu- một danh từ để gọi tên chung dành cho con trai của người Hà Tĩnh) sáng chế ra để bán cho bà con trong làng. Rồi khí lính Pháp đến quán ông ăn được thưởng thức món lạ này nên đã đặt tên Cu Đơ cho dễ nhớ (trong tiếng Pháp Duex- Đơ là hai). Cái tên bình dị của kẹo Cu Đơ ra đời từ đó.
Còn có người khác lại kể câu chuyện cảm động liên quan đến tên Cu Đơ kể rằng trong một đám cưới con trai đầu lòng người cha một nông dân nghèo của Hà Tĩnh do không có gì để làm lễ mời bà con hàng xóm, trong nhà chỉ còn mỗi mật đường mía và lạc sống. Người cha đã nghĩ ra món kẹo lạc bằng cách rang chín lạc rồi trộn mật đổ lên trên. Món ăn lạ đấy được mọi người đặc tên là Cu Đơ (lấy theo cách gọi đứa con trai đầu lòng của ông). Nhưng dù nguồn gốc của nó thế nào đi nữa, thì Cu Đơ cũng được làm nên từ những thứ bình dị, có sẵn ở nơi thôn quê kết hợp hài hòa với nhau, chất chứa hương vị thiên nhiên và hơi thở cuộc sống thành một món ăn mộc mạc đậm chất quê hương.
Kẹo Cu Đơ ngày nay cầu kì, bắt mắt hơn nhiều, gồm hai mặt ngoài là hai miếng bánh đa nướng giòn tròn như trăng rằm, ở giữa là nhân lạc rang được phủ một lớp mật có màu vàng rất ngọt ngào. Nhìn đơn giản là thế, nhưng để làm ra nó là cả một công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Nguyên liệu chính của kẹo là mật, lạc rang và bánh tráng, mật phải trong, vàng óng được lấy từ mật mía nguyên chất. Rồi lạc (đậu phộng) phải là loại hạt vừa, không bị lép, sâu mọt hay thối. Lúc rang cũng đòi hỏi người rang phải để nhỏ lửa, tỷ mẩn để lạc vừa giòn, mà không bị cháy không để trầy lớp vỏ lụa bên ngoài. Và cuối cùng, bánh đa phải nhỏ hơn bánh thường, không quá mỏng cũng chẳng quá dày, một ít vừng trên vỏ bánh, khi nướng không được để bánh thủng và phải chín đều.
Nguyên liệu kỹ lưỡng là thế, nhưng điều quyết định chiếc kẹo Cu Đơ vẫn là kỹ thuật nấu bánh, không chỉ đơn giản, đun sôi mật lên, cho một ít gừng và lạc rang vào rồi khuấy. Mà như một người đầu bếp điêu luyện, người thợ phải khuấy đều tay đến khi nào dậy lên mùi thơm, dùng đũa lấy một ít mật nhỏ vào bát nước lạnh. Khi giọt mật rơi vào nước không bị bẹp, hay tan loãng mà tròn vo là được. Lúc đó, mới múc hỗn hợp đã nấu và cho vào bánh đa, thêm một ít mạch nha, cho kẹo thơm và có độ dẻo hơn rồi lấy chiếc bánh đa còn lại úp lên.
Cầm miếng bánh Cu Đơ trên tay vừa nặng, vừa chắc, cắn miếng bánh phải dai, dẻo quẹo, hội tụ đầy đủ các vị đậm đà của mật mía, nồng nồng cay cay của gừng và thơm bùi béo của lạc rang cùng với cái giòn của lớp vỏ bánh đa, đấy mới là chiếc bánh chuẩn và ngon… Có lẽ vì vậy mà cũng là đường, mật, lạc, bánh đa ở tỉnh nào của miền Trung cũng có nhưng chỉ có Cu Đơ Hà Tĩnh là thơm ngon hơn cả, có một mùi vị đặc trưng mà không lẫn vào đâu được.
Nhiều người vẫn thắc mắc : “Tại sao kẹo Cu Đơ lại ngọt và dai như thế ?”. Sau khi tìm hiểu từ nhiều người thì câu trả lời chung đều: “Cu Đơ ngọt vì người Hà Tĩnh đói, Cu Đơ dai để ăn cho được lâu…”.Bạn cũng đừng vội cười, nếu như giờ ai hỏi, thì ai biết về nguồn gốc của câu trả lời đều vậy. Có sống mới biết, hoàn cảnh quê Hà Tỉnh thế nào. Thiên nhiên không ưu đãi, đất đai khô cằn, gió Lào nắng nóng, bão lụt thường xuyên... bắt buộc người ta phải chắt chiu, ăn tiêu dè xẻn, lo lắng từng tí một. Quen rồi với khó khăn nên nó đã ngấm vào máu thịt mọi người, cho đến giờ tôi vẫn mang theo câu nói của mẹ, để tự nhắc nhở: “Quê mình còn nghèo, còn khổ phải biết chắt chiu, cần kiệm…”.
Dù có người còn có cái nhìn định kiến với dân Hà Tĩnh nói riêng và xứ Nghệ nói chung là dân “cá gỗ” là ăn dè xẻn… nhưng có những ưu điểm nổi trội của người dân xứ Nghệ mà không phải xứ nào cũng có được đó là trong cuộc sống luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi, là khí khái, thẳng thắn nhưng giàu tình cảm, chân thành trong quan hệ và trong ứng xử. Tôi cũng không hiểu các phẩm chất trên có đượm trong kẹo Cu Đơ không nữa..
Thêm một thú vui bình dị của người Hà Tĩnh khi ăn kẹo Cu Đơ, đó là “phải có bát chè xanh”. Bát chè xanh, tưởng là như ở đâu cũng có, khi là thứ nước uống giúp con người ta tỉnh táo, minh mẫn hơn. Vậy mà, sống ở đất Tổ, đồi chè nhiều, tôi không bắt gặp thói quen uống chè xanh như quê mình. Chè xanh bẻ cả cành, rửa sạch, lúc nấu cho thêm vài lát gừng. Lửa nấu nước chè phải đỏ đều, không to quá mà cũng không nhỏ quá. Một ấm nước chè ngon phải là nước chè màu vàng, đặc sóng sánh, vị ngọt chát, thơm phảng phất mùi gừng, đó cũng là thứ nước uống hàng ngày, lúc ở nhà, cũng như mang theo khi lên nương làm rẫy của người dân.
Một lần bạn ghé thăm Hà Tĩnh hay Nghệ An, bạn cũng đừng quên nhấm thử một miếng Cu Đơ, uống hớp chè xanh, vì đấy cũng là nét văn hóa, truyền thống từ bao đời của vùng quê Hà Tĩnh để mời khách. Vị ngọt, nồng, cay, dòn của bánh hòa tan với vị ngọt chát của nước chè, đưa lại một cảm giác thú vị. Vừa lạ vừa quen, chân tình đầm ấm cũng như tấm lòng của người dân quanh năm gió Lào này vậy.
Xã hội ngày càng phát triển, có nhiều loại bánh kẹo đẹp mắt, đắt tiền được sản xuất theo dây chuyền công nghệ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhưng Cu Đơ vẫn có chổ đứng trong làng bánh kẹo, được nhiều người biết và nhắc tới. Hình ảnh chiếc kẹo thô ráp, sần sùi mang dáng vẻ mộc mạc, chân quê vậy mà vẫn ánh lên nét kiêu hãnh. Như “ Đại sứ” mang cho mình nét riêng của người dân Hà Tĩnh vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét