Hồi trước đây một vài ngôi nhà thờ có biệt danh là "nhà thờ đá", nhà thờ đá ở Sa Pa thì tôi đã có tham quan qua rồi nhưng nghe nói quy mô và lớn nhất có lẽ là nhà thờ đá Phát Diệm ở tỉnh Ninh Bình. Bây giờ lại biết thêm "nhà thờ gỗ".
Tôi tìm được một bài và hình ảnh để giới thiệu cho các bạn:
ĐỘC ĐÁO NGÔI NHÀ THỜ GỖ HƠN 100 TUỔI Ở KON TUM
Nằm lọt thỏm giữa rừng xanh cao nguyên bạt ngàn, ngôi nhà thờ gỗ với tuổi đời hàng thế kỷ luôn là niềm tự hào của người dân vùng Kon Tum.
Nằm bên dòng sông Đăk Bla trong xanh, thơ mộng, thành phố Kon Tum luôn là điểm đến của nhiều du khách thích khám phá những nét hoang sơ, hùng vĩ của rừng xanh đại ngàn và những nét cổ kính của những ngôi nhà sàn của đồng bào Ba Na trong đó có ngôi nhà thờ 100 tuổi đời hay còn gọi là nhà thờ Chánh tòa Kon Tum.
Đến với thành phố được mệnh danh là sơn nữ núi rừng Kon Tum, từ xa du khách sẽ thấy tháp chuông nhà thờ gỗ với màu nâu ấm áp cao sừng sững vươn lên nền trời xanh. Là một di tích cổ và đẹp nhất ở Kon Tum, nhà thờ Chánh tòa luôn được đánh dấu trong bản đồ du lịch của nhiều du khách khi đến với thành phố cao nguyên trẻ trung và đầy năng động này.
Nhà thờ Chánh tòa được người dân nơi đây gọi thân mật là nhà thờ gỗ bởi công trình độc đáo này được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, thiết kế với lối kiến trúc Roman cổ điển kết hợp với kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Ba Na nơi đây. Do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1913 đến đầu năm 1918 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng cho đến nay. Ngày nay công trình đã trở thành biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên, là niềm tự hào của người dân thành phố Kon Tum và luôn có sức hút mãnh liệt cho những du khách đến với vùng cao nguyên bạt ngàn.
Công trình được làm hoàn toàn bằng một loại gỗ đặc trưng nơi đây là gỗ cà chít và các bức tường, vách được làm bằng đất trộn rơm, không dùng bê tông cốt thép và kể cả vôi vữa để sơn trét. Mặt tiền nhà thờ được chia thành bốn tầng cao 24 mét, gồm bốn cột chính và hai cột phụ nối kết với nhau thành những vòng cung nâng toàn khối nhà thờ với kích thước nhỏ dần khi lên cao, lưng chừng tháp là bốn ô cửa sổ kính màu hình tròn với nhiều thanh gỗ cong đồng tâm được sắp xếp một cách hoàn hảo tạo cho cửa sổ mang dáng dấp một con mắt nơi chính diện của nhà thờ. Trên đỉnh tháp là cây thánh giá bằng gỗ quý cao vút, thể hiện sự uy nghiêm và vĩnh cửu của ngôi thánh đường.
Khung sườn của nhà thờ gồm bốn hàng cột gỗ cao 12 mét chạy dài từ mặt tiền đến phòng áo, hai hàng cột giữa lớn tạo nên gian chính rộng, cao và thoáng mát. Hai hàng cột ngoài nằm sát vách là hai gian phụ với trần nhà thấp hơn, cả bốn hàng cột trụ trên các đế đá vững chắc có sức chịu đựng với thời gian, nâng đỡ cả trọng lượng của ngôi thánh đường.
Bên trong nhà thờ có nhiều hàng cột nhỏ được liên kết với nhau bằng các vòng cung gỗ tạo thành hình vòm đỡ các cửa sổ phía trên như ôm trọn những ai vào giữa lòng nhà thờ. Bên trong thánh đường có nhiều khung cửa kính màu vẽ lại các điển tích trong kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng trời tự nhiên, vừa tạo thêm vẻ rực rỡ tráng lệ cho ngôi giáo đường. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu nhưng chính những hoa văn với những đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng đã thể hiện được cái khí chất của đồng bào bản địa Tây Nguyên.
Gần một thế kỷ phơi mình dưới cái nắng, cái gió Tây Nguyên ngôi nhà thờ vẫn đang vững chãi dưới thời gian và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của thành phố Kon Tum. Du khách có thể đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nếu đến vào mùa hoa đậu nở, trên đường tới nhà thờ bạn sẽ gặp sắc hồng, sắc trắng của những con đường hoa làm lộng lẫy thêm nhan sắc Kon Tum.
Nếu đến vào dịp lễ Giáng Sinh, bạn sẽ gặp tại đây cả nghìn giáo dân đủ tộc người tìm đến nhà thờ, họ ở lại ngay bãi đất trống bên phải có khi cả tuần để tham dự lễ. Đó là những ngày nhà thờ náo nhiệt, đầy sức sống với cảnh mua bán tấp nập. Tất nhiên, trong phiên chợ này có rất nhiều sản phẩm thủ công từ các buôn làng đem theo bày bán. Còn nếu đến nhà thờ vào một ngày bình thường nào đó, sẽ gặp sự thầm lặng của một giáo đường. Hàng ghế hai bên hông nhà thờ vào lúc làm lễ là chỗ để giáo dân cầu nguyện, lúc này thành chỗ cho các em học sinh dùng để ôn bài học tập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét