Cổ học tinh hoa
CÁI ĐƯỢC CÁI MẤT CỦA NGƯỜI LÀM QUAN
Khổng Miệt là cháu đức Khổng Tử. Bật Tử Tiện là học trò đức Khổng Tử, hai người cùng làm quan một thời.
Đức Khổng Tử qua chơi Khổng Miệt, hỏi rằng: "Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì?"
Khổng Miệt thưa: " Từ khi tôi ra làm quan chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: việc quan bận, không còn thời giờ học tập, vì thế mà học vấn không tấn tới; bổng lộc ít, không đủ chu cấp cho họ hàng, vì thế mà họ hàng không thân thiết; công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà ăn ở với bầu bạn không được trọn vẹn".
Đức Khổng Tử nghe nói không bằng lòng.
Sau ngài đến chơi Bật Tử Tiện, lại hỏi như hỏi Khổng Miệt.
Bật Tử Tiện thưa: "Từ khi tôi ra làm quan, chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: Những điều trước học nay đem ra thực hành vì thế mà học càng rõ; bổng lộc dù bạc, cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng, vì thế mà họ hàng càng gần; việc quan tuy bận, song cũng bớt được ít thời giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà bầu bạn càng thân".
Đức Khổng Tử nghe nói khen rằng: "Tử Tiện thực là người quân tử".
(Gia Ngữ)
Lời bàn :
Hai đoạn nầy bày ra hai cái cảnh phản đối lại hẳn với nhau. Cũng là làm quan, mà một đàng "mất" một đàng "được" khác nhau chẳng qua là chỉ do tự mình cả, chớ không phải nghề làm quan bó buộc mình phải như thế. Đức Khổng Tử khen người "được" là quân tử, thì tất bỉ người "mất" là tiểu nhân. Ôi! làm quan tuy là bận việc, tuy là ít lương, tuy là hẹp thời giờ, mà vẫn học hành cho rộng thêm trí thức mà vẫn chu cấp được cả cho bà con, mà vẫn ân cần cả với chúng bạn, thì cũng đáng phục là ông quan quân tử thật.
(Theo Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét