Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

8 CON PHỐ CÓ TÊN LẠ NHẤT HÀ NỘI

Ngày cuối tôi ở Hà Nội (30/12/2013) là về từ Sa Pa, từ ga Lào Cai với chuyến xe lửa đêm đến ga Hà Nội sáng sớm khoảng 6:00 giờ mấy và chỉ ở Hà Nội đến 1 giờ trưa là có xe đón chúng tôi ra sân bay Nội Bài để vào Sài Gòn và chờ đến tối thì về Úc.
Cô chủ dễ thương của công ty du lịch ở Springvale, Úc tiết kiệm cho chúng tôi và để thuận tiện cho tôi đi dạo trong ngày cuối ở Hà Nội nên book cho chúng tôi ở Hanoi Medallion Boutique Hotel, phố Mã Mây. Đến hotel vào sáng sớm, trời tờ mờ không thấy gì chỉ có cái vắng lặng, vậy mà sau khi ăn sáng xong ra của mới biết đây bên ngoài thật ồn ào náo nhiệt.
Chúng tôi đang ở trong Hà Nội 36 phố phường tiếng Anh gọi là Old Quarter.
Hà Nội rất đẹp, sạch và cổ kính. Không biết ai nghĩ sao nhưng cá nhân tôi có cảm giác an toàn hơn ở Sài Gòn khi đi dạo đêm, ăn tối hay vào những siêu thị vì dù sao đi nữa thì chúng tôi cũng ở nhiều ngày ở Hà Nội. Muốn biết tên gọi 36 phố bạn dễ dàng tìm trên mạng hay trong những bài ca dao cũ nhưng ngoài 36 phố, Hà Nội còn có nhiều phố khác với những cái tên lạ lùng như lúc tôi lấy cái lịch trình du lịch, cái tên Mã Mây cũng làm tôi thấy lạ rồi.


Hôm nay tình cờ đọc được một tài liệu về những con phố có tên lạ ở Hà Nội nên share cho các bạn biết:

8 CON PHỐ CÓ TÊN LẠ NHẤT HÀ NỘI

Những cái tên như Tố Tịch, Cổng Đục, Lò Sũ mới chỉ đọc thôi đã thấy "trẹo quai hàm", nhưng đằng sau đó lại là những câu chuyện thú vị mà ít người biết tới.
Nhắc đến Hà Nội là nhớ tới 36 phố phường với những phố nhỏ, ngõ nhỏ lâu đời. Và đặc biệt là có rất nhiều phố mang những tên gọi rất lạ, mà ngay cả nhiều người sống lâu ở Hà Nội cũng không lý giải được tại sao nó lại có tên như vậy.
Dưới đây là những ngõ, phố tên lạ mà người viết tìm hiểu được, hẳn vẫn còn thiếu xót đâu đó, nhưng ít nhiều cũng sẽ cung cấp cho độc giả cái nhìn thú vị về phố phường Hà Nội...

1. Phố Tố Tịch

Phố Tố Tịch dài 95m giao với phố Hàng Quạt và phố Hàng Gai. Tố Tịch là thôn thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Trong tiếng Hán, Tố Tịch có nghĩa là “chiếu trắng”, có thể xưa ở đây bán mặt hàng này. Nhiều người vẫn thường gọi lái Tố Tịch thành Tô Tịch.
Ngày nay, khi nhắc tới Tố Tịch là các bạn trẻ nghĩ ngay đến “thiên đường” của hoa quả dầm.
Bên cạnh đó, phố cũng là nơi bán đồ thờ cúng bằng gỗ hoặc bằng sứ.

2. Phố Cổng Đục

Phố Cổng Đục Dài 110m, từ cuối phố Hàng Mã thông sang phố Hàng Vải. Đây là đất thôn Đông Thành Thị, tổng Tiến Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Phố có tên Cổng Đục là vì có cái cổng mở ra ở tường thành phía đông.
Phố khá nhỏ, không có hàng quán mà chủ yếu là nhà dân.
Trên phố có nhiều ngôi nhà lưu giữ nét cổ, có nhiều cây xanh. Khu phố này cũng là nơi ở của diễn viên gạo cội Kim Xuyến.

3. Phố Đình Ngang

Phố Đình Ngang (gần ngã năm Cửa Nam), phố có tên gọi này bởi trước đây có một cái đình nằm ngang ngay đoạn giao với phố Nguyễn Thái Học.
Ngày nay, ngôi đình đã không còn. Nền đất xưa nay trở thành bãi đỗ xe ở đầu phố.
Phố chỉ dài khoảng hơn 100m. Nhưng khu phố này tấp nập hàng quán với các món nổi tiếng như cơm gà, bánh mì sốt vang... Dọc phố còn có nhiều quán cà phê và các cửa hàng thủ công mĩ nghệ.

4. Phố Chân Cầm

Con phố Chân Cầm có cái tên nghe rất lạ. Đi từ phố Lý Quốc Sư đến phố Phủ Doãn, nguyên là phần đất thôn Chân Tiên và thôn Minh Cầm. Tới giữa thế kỷ XIX, hai thôn này hợp làm một thành ra thôn Chân Cầm. Trước đây, con phố này chuyên buôn bán kinh doanh các loại đàn, nhạc cụ. Thời Pháp thuộc, phố này có tên là La-gít-kê (rue Lagisquet). Tên hiện nay được đặt sau Cách Mạng tháng 8. Ngày nay phố chủ yếu là các quán bán hàng ăn và cà phê.
Trên phố có một ngôi nhà cổ xây dựng từ thời Pháp với kiến trúc rất đẹp.
Phố chỉ dài khoảng 200m và được bao phủ dưới tán cây xanh.
Phố có những quán cà phê và nhà hàng giữ lại nhiều nét cổ.

5. Phố Lò Sũ

Phố Lò Sũ ngay gần bờ hồ Hoàn Kiếm. Phố Lò Sũ xưa kia chuyên đóng và bán áo quan (còn được gọi là Hàng Sũ). Ngày nay, nghề bán áo quan trên phố này không còn, chỉ còn lại tên gọi mà thôi.
Phố Lò Sũ khá ngắn được bao trùm bởi những bóng cây râm mát.
Bây giờ, cả phố chủ yếu bán ba lô, mũ và giày dép.

6. Phố Ngõ Gạch

Ngõ Gạch là một phố chỉ dài hơn 100m nối liền phố Nguyễn Siêu và phố Hàng Đường. Phố nguyên là lòng sông Tô Lịch cũ, bị lấp vào năm 1887. Trước đây, phố có nhiều nhà bán vôi, gạch nên được đặt tên là Ngõ Gạch.
Trên phố vẫn còn ngôi đình cổ của thôn Thanh Hà .
Phố có nhiều cây xanh, trong đó cỏ cả những cây cổ thụ.

7. Phố Nhà Hỏa

Phố Nhà Hỏa là một phố nhỏ, nằm lọt thỏm giữa hai phố lớn là Cửa Đông và Bát Đàn. Phố có tên là Nhà Hỏa vì đoạn giáp phố Hàng Điếu trước đây thuộc thôn Yên Nội. Thôn này vốn có ngôi đền Nhà Hỏa thờ Hỏa thần.
Tuy mang tên phố Nhà Hỏa nhưng nơi này lại luôn… sẵn nước do cả phố hầu như đều làm nghề rửa xe
Do là phố nhỏ nên nơi đây ít có cây cối, nhiều nơi chỉ là cổng sau của các ngôi nhà ở phố Cửa Đông và phố Bát Đàn.

8. Phố Mã Mây

Phố Mã Mây thời xưa là hai phố tên gọi khác nhau: Hàng Mây và Hàng Mã. Thời thuộc Pháp, hai phố Hàng Mây - Hàng Mã nơi trên được gọi chung là Rue Des Pavillons Noirs (phố quân Cờ Đen).Tuy nhiên người Việt Nam vẫn cứ tên cũ mà gọi hai phố này là phố Mã Mây. Ngày nay phố Mã Mây chủ yếu là các công ty và nhà nghỉ phục vụ khách du lịch.

Hiện nay trên phố có ngôi nhà số 87 được biết đên với cái tên ngôi nhà di sản, lưu giữ và trưng bày một không gian đậm chất văn hóa đô thị Việt Nam cuối thế kỉ 19 - đầu thế kỉ 20.
Theo Việt Hùng - Sơn Vũ/Baodatviet.vn
(Sưu tầm trên mạng)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét