Không biết có ai đã biết hay không?, còn tôi thì tới hôm nay mới biết là ông Khổng Đức Thành 孔德成 (cháu 77 đời của Đức Khổng Tử) đã từng đến Việt Nam và diễn thuyết tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn ngày 04/10/1958.
Nếu ai chưa biết thì cùng tôi đọc về tiểu sử và bài diễn thuyết của ông Khổng Đức Thành (Bài của Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Cường đăng trong mạng của Khoa Văn Học)
1. Tiểu sử Khổng Đức Thành
Khổng Đức Thành 孔德成 (Kung Te-cheng, Kong De-cheng, 23/2/1920 – 28/10/2008) tự Ngọc Nhữ 玉汝, hiệu Đạt Sinh 达生, là hậu duệ đời thứ 77 của Khổng tử, được tập phong “Diễn Thánh công” 衍圣公 (tước hiệu tập phong cho hậu duệ đích phái của Khổng tử) đời thứ 32, tước hiệu này sau đổi thành “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Phụng tự quan” 大成至圣先师奉祀官 (quan chủ việc tế tự Khổng tử, gọi tắt là “Phụng tự quan” 奉祀官).
Ông là con của Khổng Lệnh Di 孔令贻 và bà Vương Bảo Thúy 王宝翠 (vợ thứ tư). Khổng Lệnh Di là “Diễn Thánh công” đời thứ 31, ông lấy bà chính thất là Tôn thị 孙氏, không sinh con, bị bệnh mất sớm; người thiếp là bà Phong thị 丰氏 cũng vô sinh; lại lấy bà Đào thị 陶氏 sinh một trai nhưng chết non; lại nạp a hoàn của Đào thị là Vương Bảo Thúy làm trắc thất, bà Vương thị sinh được hai gái (Đức Tề 德齐, Đức Mậu 德懋) và một trai út (Đức Thành 德成). Khổng Lệnh Di mất ngày 8/11/1019 ở Bắc Kinh. Hơn ba tháng sau, nhằm ngày 23/2/1920, bà Vương Bảo Thúy sinh hạ Khổng Đức Thành tại Khổng Phủ (Khúc Phụ, Sơn Đông) trong sự canh phòng giữ gìn nghiêm ngặt của quân đội chính quyền Bắc Dương và gia tộc họ Khổng vì e đứa trẻ bị đánh tráo hoặc đánh cắp. Khổng Đức Thành được 17 ngày tuổi thì mẹ đẻ mất ở tuổi 26, ông được bà Đào thị nuôi dưỡng.
Ngày 6/6/1920, khi Khổng Đức Thành tròn 100 ngày tuổi, Đại Tổng thống Từ Thế Xương 徐世昌 của chính quyền Bắc Dương ban lệnh tập phong cho Khổng Đức Thành làm “Diễn Thánh công” đời thứ 32. Từ năm 1935, chính phủ Dân quốc Nam Kinh đổi tước hiệu “Diễn Thánh công” thành “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Phụng tự quan”, Khổng Đức Thành tuyên thệ nhậm chức tại Nam Kinh ngày 8/7/1935.
Tháng 4/1949, ông được Quốc Dân đảng mời chuyển sang định cư tại Đài Loan và sống ở đó tới khi qua đời lúc 10 giờ 50 phút ngày 28/10/2008 tại Đài Bắc vì bệnh suy tim và phổi, thọ 89 tuổi.
Ngày 16/12/1936, ông lập gia đình với bà Tôn Kì Phương 孙琪方 (cháu gái của Tôn Gia Nãi 孙家鼐, Trạng nguyên và Thượng thư triều Thanh), sinh được hai trai hai gái. Trưởng nữ Duy Ngạc 维鄂 sống ở Mĩ, trưởng tử Duy Ích 维益 mất năm 1989 (chưa kịp nhận tập phong), thứ tử Duy Ninh 维宁, thứ nữ Duy Lai 维崃. Trưởng tôn là Khổng Thùy Trường 孔垂长 (sinh năm 1974, thương nhân, con của Duy Ích), là cháu 79 đời của Khổng tử. Tháng 9/2009, tại Đài Loan, Khổng Thùy Trường làm lễ kế nhiệm chức “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Phụng tự quan” (người thứ 33). Năm 2006, Khổng Thùy Trường sinh hạ con trai là Khổng Hựu Nhân 孔佑仁, là cháu 80 đời của Khổng tử.
Khổng Đức Thành là Thạc sĩ Chính trị tại Đại học Chính trị quốc lập của Đài Loan, Tiến sĩ danh dự của Đại học Đài Loan, Nghiên cứu viên danh dự của Đại học Yale (Mĩ), Tiến sĩ danh dự của Đại học Yeungnam và Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc), Đại học Reitaku (Nhật Bản). Từ năm 1955, ông làm Giáo sư kiêm nhiệm tại khoa Trung văn và khoa Nhân loại học của Đại học Đài Loan, giảng dạy các môn “Nghiên cứu tam Lễ”, “Nghiên cứu kim văn”, “Nghiên cứu đồ thờ bằng đồng xanh thời Ân Chu”; đến đầu năm 2008 mới thôi giảng dạy vì bệnh. Ông còn là Giáo sư của các trường Đại học Sư phạm Đài Loan, Đại học Phụ Nhân, Đại học Đông Ngô, Đại học Trung Hưng; từng giữ chức Viện trưởng Viện Khảo thí khu vực Đài Loan (1984-1993). Ông đã công bố 2 cuốn sách và hơn 20 bài nghiên cứu. Ông từng đến Mĩ để khảo sát văn hóa (1947-1948), là nghiên cứu viên của Đại học Yale (Mĩ), kết bạn thân thiết với học giả nổi tiếng La Thường Bồi 罗常培 khi ấy cũng đang ở Mĩ.
2. Khổng Đức Thành diễn thuyết tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn ngày 4/10/1958
Tư liệu ghi nhận sự kiện Khổng Đức Thành diễn thuyết tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn nằm trong tập san Đại học Văn khoa, niên khóa 1958-1959 của Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tr. 137-141. Tư liệu này gồm 3 phần: phần đầu là giới thiệu của tập san Đại học Văn khoa về sự kiện diễn thuyết của ông Khổng Đức Thành; phần hai là bài phát biểu chào mừng của ông Nguyễn Huy Bảo – Khoa trưởng của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn; phần ba là bài diễn thuyết của ông Khổng Đức Thành. Theo nội dung của ba phần này, ông Khổng Đức Thành được Hội Khổng Học Việt Nam của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa mời sang giảng dạy, đồng thời tham gia lễ kỉ niệm 2509 năm sinh Khổng Tử diễn ra tại Saigon ngày 28/9/1958.
Thiết nghĩ đây là một tư liệu quý ghi chép một sự kiện đáng chú ý đối với lịch sử Nho học tại Việt Nam, vậy nên để độc giả rộng đường tham khảo, dưới đây xin sao lục nguyên văn toàn bộ tư liệu này, được trình bày theo đúng nguyên bản, kể cả những chỗ khác với lối viết chính tả hiện nay, những chỗ thiếu dấu câu, và những chỗ thiếu thống nhất về quy cách trình bày ngay trong bản thân tư liệu ấy.
ThS. Nguyễn Tuấn Cường
(GV. Khoa Văn học, Trường ĐH KHXHNV - ĐHQGHN)
MỘT BUỔI DIỄN-THUYẾT ĐẶC-BIỆT
---------
Nhân dịp Ô. KHỔNG ĐỨC THÀNH, cháu 77 đời Đức Khổng Phu Tử sang viếng thăm Việt-Nam Cộng-Hòa, Trường Đại-Học Văn-Khoa Saigon đã tổ-chức tại trụ-sở nhà Trường một buổi diễn-thuyết đặc-biệt vào ngày thứ Bẩy 4-10-1958 hồi 18 giờ.
Diễn-giả : Ô. KHỔNG ĐỨC THÀNH đã nói về
Đời sống và tinh thần dạy học của Đức Khổng-Phu-Tử
Sau đây là lời giới-thiệu của Ông Khoa-Trưởng NGUYỄN-HUY-BẢO và bài diễn-văn của Ông Khổng Đức Thành.
- Kính thưa Khổng Đức Thành tiên sinh,
- Thưa Ông Viện Trưởng,
- Thưa Quý Vị Hội viên Hội Khổng Học,
- Kính thưa toàn thể quý vị,
Hôm nay là ngày rất vinh dự cho Đại Học Đường Văn Khoa chúng tôi vì Cháu Bẩy Mươi Bẩy Đời Đức Khổng Phu Tử, Khổng Đức Thành Tiên Sinh và Quý Vị, đã đến thăm Học Đường chúng tôi.
Chúng tôi rất lấy làm tiếc rằng sự tiếp đón này không được chu đáo cho lắm vì thời gian cấp bách.
Sử chép rằng Khổng Giáo đã được truyền bá trên giãi [dải – NTC chú] đất Việt-Nam chúng ta gần Hai Mươi Thế Kỷ nay, từ thời Tích Quang và Sĩ Nhiếp. Văn Miếu Thành Thăng Long đã được xây dựng từ hồi Nhà Lý, nghĩa là đã được chín thế kỷ nay rồi. Trong những thời đó thì Âu Châu ngoài La-Hy hãy còn sống trong những thủ tục mọi rợ, không có kỷ cương, không có Lễ Giáo.
Từ khi Khổng Giáo đột nhập xứ Việt-Nam thì bao giờ cũng được tôn trọng, từ vua quan, cho đến dân gian, - không bao giờ bị sát hại như hồi Tần Thủy Hoàng, hay bị chê bai, mạt sát thậm tệ như hồi Trung Quốc Cộng Hòa khởi thủy.
Trong kỳ Đại Hội Nghị Giáo Dục Quốc Tế tại Genève năm nay, một Đại Biểu Trung Quốc là Bác Sĩ Yu Shou Kuo, có nói với tôi rằng: “cho được biết Lễ Nghi thuần túy Trung Hoa hồi nguyên thủy thì phải sang Việt-Nam vì Nhạc Cổ ở bên Tàu bây giờ chẳng hẵn là Nhạc Thổ Nhĩ Kỳ từ hồi Thế Kỷ thứ XV ; nhạc Cổ Điển Việt-Nam bây giờ, ấy mới là Nhạc Cổ Tàu thực thụ”.
Tuy dân Việt-Nam có óc tồn cổ, ưa thích học thuyết Khổng Tử một cách thâm thúy, nhưng không vì vậy là nhãng bỏ sự cần thiết của sự suy tưởng lấy mình ; Vì Lời Thánh Hiền đáng kính, nhưng Lý Trí của ta cũng đáng phục. Trời đã phú cho ta, ai cũng vậy, ai cũng có đều như nhau, lương tri, thì ít ra ta cũng xử dụng nó chứ ? Cho nên sự hiểu biết lấy mình, sự rèn luyện phê phán, là một yếu tố cốt yếu của Hệ Thống Giáo Dục Việt-Nam. Vì vậy Chúng ta kính Đức Khổng.
Tam Cương, Ngũ Thường, là những đức tính cần thiết cho cả nhân loại. Ai mà cả gan gạt bỏ những đức tính đó thì sẽ trở lại đời sống cầm thú, không còn là Người nữa. Cho nên Đạo Khổng sẽ vĩnh viễn, sẽ bất diệt, cũng như Trời Đất vậy. Vì Đạo Khổng lấy Trật Tự Thiên Nhiên làm gốc, lấy Hòa Điệu Vũ Trụ làm đích. Nhưng đối với Thế Kỷ thứ XX này, Đạo Khổng có một phần nào thiếu sót, vì chưa biết hết những phản lực của người, vì Đạo Khổng chưa chú ý tới hay chưa biết tới Tiềm Thức : Đạo Khổng chỉ biết tới phần Thiên Nhiên, Xã Hội, trắng tỏ của Lương Tâm và Lương Tri, không biết tới phần u-uẩn của Tâm Hồn.
Ngoài ra Đạo Khổng lại còn là một phản ảnh của một Xã Hội Nông Nghiệp, nên những vấn đề xã hội mà một hệ thống Tư Bản, Máy Móc Kỹ Nghệ đã nêu ra, Đạo Khổng chưa giải quyết được.
Nói tóm lại : ta học Đạo Khổng là ta muốn trở lại nguồn suy tưởng nguyên thủy của Nhân Loại. Ta học Đạo Khổng là vì ta không muốn mất rễ. Nhưng không vì vậy là ta phải lãng quên sự rèn luyện lý trí của ta ; không vì vậy mà ta không giám tìm tòi sưu tầm. Ta học Đạo Khổng không phải là để quên lãng những vấn đề hiện tại. Những vấn đề này rất mới mẻ nó bắt ta phải bỏ tính câu nệ, cái gì cũng dựa vào người trước. Trái lại trí óc ta phải cố gắng tìm tòi những biện pháp mới, thiết dụng cho đời sống hiện tại ; Xưa kia Đức Khổng sở dĩ được tôn là Thánh Hiền cũng là vì ngài đã cố công tìm xét để mang lại cho thời đại bấy giờ một biện pháp mới duy lý, áp dụng thiết thực cho thời bấy giờ. Nay ta suy tôn Đức Khổng, ta thành thực theo lời dạy Đức Khổng khi nào ta noi theo gương Đức Khổng để cứu vãn thời cuộc, để đạt tới chân lý.
Thưa Quý Vị,
Lời giới Thiệu của tôi tới đây cũng đã rườm rà lắm rồi. Tôi xin trao lời ngay cho Khổng Đức Thành Tiên Sinh để tiên sinh nói về : “Chủ Trương Giáo Dục của Đức Khổng Phu Tử.”
ĐỜI SỐNG VÀ TINH-THẦN
DẠY HỌC CỦA ĐỨC THÁNH KHỔNG-TỬ
Hôm nay là ngày sinh-nhật lần thứ 2509 của Đức Thánh Khổng-Tử. Tôi được Hội Khổng-Học Quý-quốc mời sang Quý-quốc giảng học, nên được tham-gia cuộc lễ kỷ-niệm long-trọng này, thật lấy làm vô-cùng vinh-hạnh. Lễ kỷ-niệm hôm nay được đặt dưới quyền Chủ-tọa tối-cao của Ngô-Tổng-Thống, đủ thấy long-trọng biết là nhường nào ! Đứng về phương-diện trao đổi văn-hóa giữa hai nước Việt Hoa mà nói, tôi cảm thấy đó là một sự đặc-biệt đáng mừng. Đứng về lập-trường của dòng-dõi họ Khổng mà nói, tôi vô cùng cảm-kích.
Đức Khổng-Tử vốn là con cháu đời sau của nước Tống, dòng-dõi nhà Ân. Một bộ sử đáng tin cạy nhất của Trung-quốc là bộ Sử-Ký có nói : “Tổ tiên là người nước Tống, tên là Khổng-Phòng-Thúc. Phòng-Thúc sinh ra Bá-Hạ, Bá-Hạ sinh ra Thúc-Lương-Ngột”. Thúc-Lương-Ngột tức là thân-phụ của Đức Khổng-Tử. Thân-mẫu họ Nhan, tên là Trưng-Tại.
Đức Khổng-Tử sinh ngày Canh-Tý tháng 10 năm thứ 21 đời vua Tương-Công nước Lỗ ( năm 552 trước Gia-Tô ). Theo chỗ khảo-cứu và đoán định của các nhà làm lịch đời nay, thì ngày Canh-Tý tháng 10 lịch nhà Chu, tức là ngày 28 tháng 9 bây giờ. Tạ-thế ngày Kỷ-sửu tháng 4 năm thứ 16 đời vua Ai-Công nước Lỗ ( năm 479 trước Gia-Tô ).
Đức Khổng-Tử tuy là con dòng cháu giống của một nước lớn, nhưng xuất-thân nhà nghèo, cho nên người tự nói rằng :
- Tôi thủa nhỏ là con nhà nghèo, nên làm được nhiều việc tầm thường. ( Chương “Tử Hãn” sách “Luận ngữ” )
Sách “Mạnh Tử” cũng có nói :
- Đức Khổng-Tử từng làm chức Ủy-Lại, nói : “sổ-sách tính đúng là được rồi. Từng làm chức Thăng-Điền, nói “trâu dê chóng lớn béo là được rồi”. ( Chương “Vạn Chương Hạ”)
Đến năm 50 tuổi ( năm 502 trước Gia-Tô ), Người làm quan Trung-Đô-Tễ [Tể - NTC chú] nước Lỗ. Năm sau ( năm 501 trước Gia-Tô ), Người làm Tư-Không, rồi thăng lên Đại-Tư-Khấu. Năm sau nữa ( năm 500 trước Gia-Tô ), Người giúp vua nước Tề đi hội-đàm với vua nước Lỗ ở Giáp-Cốc, lấy lẽ nói cho vua nước Tề phải phục, giành được thắng-lợi về ngoại giao. Khi ấy các quan Đại-phu nước Lỗ là Quý-Tôn, Trọng-Tôn và Mạnh-Tôn cầm quyền chánh, không coi nhà vua ra gì, khiến nước Lỗ dần dần biến thành cuộc-diện chia rẽ. Đức Khổng-Tử thấy cuộc-diện này không phải là sự hay cho nền thống-nhất đất nước, bèn hạ lệnh “triệt bỏ ba Đô ( Phí, Hậu, Thành ), đồng thời giết Thiếu-Chính-Mão là một quan Đại-phu phiến-loạn. Đủ biết trong thời-kỳ làm chánh-trị, Đức Khổng-Tử không làm việc gì là không biểu-hiện cái chủ-trương về “Chính-danh chủ-nghĩa” của Người. Về chủ-trương chánh-trị của Người, nói tóm lại một câu thì có thể nói là sản-trừ những kẻ loạn-thần tặc-tử, xúc thành nền thống-nhất chánh-trị.
Về sau Người đi du-lịch các nước, mong thực-hành được học-thuyết của Người, để cứu người đời. Đến năm 484trước Gia-Tô, Người trở về nước Lỗ, chỉnh-lý sách cũ và dạy học. Đó cũng có thể nói là khai-đoan của một sự-nghiệp có ảnh-hưởng lớn nhất của Đức Khổng-Tử đối với đời sau.
Tại Trung-quốc, trước đời Xuân-Thu, hạng thường-dân không có cơ-hội được giáo-dục, nhưng Đức Khổng-Tử đã làm một việc phá-lệ, trong lịch-sử Trung-Quốc, Người phổ-biến giáo-dục cho tất cả mọi người, cho nên hạng người nào cũng có người là đệ-tử của Người. Tổng-số đệ-tử có ba nghìn người, mà trong số đó có 72 người thông-thạo lục-nghệ. Đó thực là một sáng-cử khiến cho hạng thường-dân trong dân-tộc Trung-Hoa cũng có cơ-hội được giáo-dục.
Đức Khổng-Tử dậy học, đều dùng sách vở đời xưa, như kinh Dịch, kinh Thư, kinh Thi, kinh Lễ v. v… Ngoài sự dậy học bằng sách-vở ra, Người lại chú-trọng vào sự tu-dưỡng phẩm-cách và đức-tính của từng người. Cho nên sách “Luận-Ngữ” có câu : “Tử dĩ tứ giáo : văn, hạnh, trung, tín” ( Thầy dậy bằng bốn điều : văn, hạnh, trung, tín ). Trong bốn điều này, chỉ có “văn” là thuộc về sự đọc sách, còn ba điều khác đều thuộc về sự hun đúc phẩm-cách và đức-tính của con người. Mặc dầu cần phải “bác văn” ( nghĩa là học rộng biết nhiều ) cũng lại cần phải “ước lễ” ( nghĩa là giữ trong khuôn-khổ lễ pháp ). Cho nên những cách dậy học của Đức Khổng-Tử như trong sách “Luận Ngữ” đã chép, phần nhiều chú ý về phẩm-cách và đức-tính. Ngay đến sự “học Thi” và “học lễ”, chẳng phải chỉ chú ý về nghiên-cứu văn-học và lịch-sử mà thôi, lại càng chú ý đến những chỗ có quan-hệ với cách lập-thân và hành-sự nữa. Vì vậy Đức Khổng-Tử có nói : “Bất học Thi, vô dĩ ngôn” ( Không học thi thì không biết cách ăn-nói ) ; lại nói ; “Bất họ [học – NTC chú] Lễ, vô dĩ lập” khôhg [không – NTC chú] học Lễ thì không biết cách lập-thân ). Coi đó thì thấy sự giáo-dục của Người nhằm mục-đích xây dựng nhân-cách hoàn-hảo, khiến cho mỗi người đều trở nên một kẻ hoàn-nhân ( người có đủ đức tốt ) trong xã-hội.
Chúng ta hôm nay kỷ-niệm Đức Khổng-Tử, cần phải bắt-chước tinh-thần làm chánh-trị của Người là Chính-danh chủ-nghĩa ; lại cần phải bắt chước mục-đích giáo-dục của Người là Nhân-cách giáo-dục. Làm tới được hai điểm này, thì chúng ta xây dựng quốc-gia, không lo không có thể thống-nhất ; chúng ta tu-dưỡng phẩm-cách và đức-tính, không sợ không có nhân-cách kiện-toàn. Nhất là trong lúc cộng-sản đương dùng võ-lực để xâm-lăng, và đương tung ra những tà-thuyết duy-vật trái với nhân-tính như ngày nay, nếu thực-hành được nhân-cách giáo-dục của Đức Khổng-Tử, khiến cho người nào cũng biết nhân-tính là quan-trọng mà chú ý vào sự tu-dưỡng nhân-cách hoàn-hảo, thì xã-hội sẽ không đến nỗi bị tà-thuyết xâm lấn, con người sẽ cũng không đến nỗi thoái-hóa thành lũ cầm thú, quốc-gia sẽ cũng được an-ninh và ổn-định. Tôi nhận xét như thế, có đúng hay không, hãy xin các ngài sáng-suốt chỉ-giáo.
KHỔNG-ĐỨC-THÀNH
*
* *
Hà Nội, tháng 9/2010
Nguyễn Tuấn Cường
Bài viết tham dự Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2010
tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội)
tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét