Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

ĐÂU CHỈ BẠC HÀ MỚI CHUA !

Thầy thuốc có kinh nghiệm điều trị bệnh thống phong (bệnh gút) đều rõ là nhiều bệnh nhân bị tăng acid uric trong máu, thậm chí rất cao, nhưng không hề uống bia, cũng không lạm dụng thịt mỡ, thậm chí có người ăn chay trường cũng mắc bệnh! Quả thật rất dễ hố nặng nếu theo sát định nghĩa kinh điển của bệnh gút. Nguyên nhân của bệnh này rõ ràng núp kín đâu đó trong chế độ dinh dưỡng nhưng không hẳn lúc nào cũng là rượu thịt. Đáng tiếc cho nhiều bệnh nhân chẳng qua vì một số thầy thuốc chưa đọc cho kỹ báo cáo về tác dụng tăng acid uric của cây bạc hà, loại thường được dùng nấu canh chua.
Nói có sách chưa đủ, nếu mách không có chứng. Kết quả thống kê thực hiện với 200 đối tượng ở Tp. HCM cho thấy tỷ lệ tăng acid uric ở người có thói quen ăn món canh chua bạc hà rất cao. Nếu so sánh với người tuy cũng ăn canh chua nhưng không với bạc hà, như canh chua măng, canh chua lá vang… thì tỷ lệ nhiễm bệnh ở các nhóm này lại thấp, nếu đối chiếu với nhóm khoái bạc hà. Hơn thế nữa, mức độ tăng acid uric trong máu rõ ràng tỷ lệ thuận với số lần có món canh chua bạc hà trong tuần. Ăn càng thường thì kết quả xét nghiệm máu càng tệ! Kết quả khảo sát về cơn đau do sạn khớp cho thấy 70% trường hợp phát bệnh là sau một bữa ăn mạnh miệng với canh chua bạc hà! Tình trạng này càng trầm trọng hơn nữa nếu đối tượng vừa “mặn” món canh chua bạc hà lại “hảo” bia bọt! Bằng chứng là lượng acid uric trong máu của người tuy uống bia nhưng không thích món canh chua bạc hà thấp hơn thấy rõ nếu so với nhóm vướng cả hai, cả canh lẫn bia.

Có xuôi có ngược mới chắc ăn. Trị số xét nghiệm của hơn 60% người trước đó có lượng acid uric trong máu tăng cao thậm chí trở lại bình thường sau hai tuần tuy không dùng thuốc nhưng ngưng món canh chua bạc hà. Lý thú hơn nữa là ở hai nhóm thử nghiệm được điều trị bằng Allopurinol với liều lượng như nhau, có thể giảm thiểu đến phân nửa lượng thuốc hàng ngày trên nhóm kiêng món canh chua bạc hà mà vẫn đạt được hiệu quả tương đồng với nhóm đối chiếu tuy uống thuốc gấp đôi nhưng lại có món canh chua vài lần trong tuần. Không những thế, khi kiểm soát lượng acid uric trong máu hai tháng sau khi đã ổn định cho thấy tình trạng tái phát chỉ xảy ra ở 1/4 số bệnh nhân ăn canh chua bạc hà một cách tiết độ theo kiểu mỗi tuần một lần, nếu so với nhóm “ngựa quen đường cũ”.

Tuy các công trình nghiên cứu chưa hoàn toàn có giá trị định lượng nhưng vẫn tạm đủ để kết luận về mối liên hệ giữa canh chua bạc hà và tình trạng tăng acid uric trong máu. Nói qua cũng phải nói lại, nói thế không có nghĩa là chê phủ đầu món canh chua bạc hà, món ăn vốn nên thuốc cho người biếng ăn, món ăn khiến nhiều người xa xứ khó quên đất tổ. Nhưng nếu lạm dụng theo kiểu một tuần ăn tối thiểu có… 7 lần!, thì đó lại là yếu tố bất lợi cho người có cơ tạng dễ bị bệnh thống phong. Tuy vậy, cũng không thể vì thế rồi đổ hết tội cho tô canh chua. Chỉ cần chủ động giảm món canh chua bạc hà trên bàn ăn nếu đã bị bệnh gout, hay trong giai đoạn bệnh đang phát tán. Khéo hơn nữa, cứ ăn canh chua cho ngon miệng nhưng thay đổi nhiều kiểu. Trong nghệ thuật gia chánh của người mình muốn có tô canh chua ngon hết ý đâu nhất thiết lúc nào cũng phải nấu với bạc hà!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét