Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

GỎI SẦU ĐÂU MÙA NƯỚC NỔI

Mới đọc được một bài về cây Sầu Đâu, mình hoàn toàn không biết về loại cây này, nhớ man mán trong ký ức mình có đọc qua một quyển sách của nhà văn nữ Nhã Ca "Mưa trên cây Sầu Đông", lúc đó đọc để giải trí chứ cũng không biết cây Sầu Đông là cây gì. Bây giờ lại thêm Sầu Đâu nữa. Không biết thì phải tìm cho biết, đại khái người miền Nam gọi là "Sầu Đâu", miền Trung gọi "Sầu Đông" và miền Bắc gọi là cây Xoan" nhưng cây Xoan miền Bắc thì không ăn được vì có tính độc, lá Sầu Đâu miền Nam thì có thể làm một thức ăn ngon.

Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu về món ăn này: Có ai ăn qua chưa ?

GỎI SẦU ĐÂU MÙA NƯỚC NỔI


Hằng năm, từ giữa mùa đông đến đầu xuân, sầu đâu bắt đầu thay lá, đơm bông. Tuy nhiên, người địa phương thường lặt đọt non quanh năm để làm một số món ngon.Lá sầu đâu nhỏ, dài và mọc đối xứng qua cuống. Đọt non có màu tim tím, còn gọi là cây xoan ăn gỏi, trồng khá phổ biến ở Long Xuyên, Châu Đốc và vùng Bảy Núi, An Giang. Mùa nước nổi, lá sầu đâu mơn mởn, non tơ, chấm mắm kho, cá kho, ăn với cá linh non kho mẳn hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng… mới nghe vị đăng đắng mà ngọt của lá sầu đâu, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu.Món gỏi sầu đâu càng tuyệt chiêu hơn, tôm, thịt, cá… thứ nào trộn gỏi cũng tuyệt. Gỏi sầu đâu mới ăn thường cảm thấy đắng, nhưng đã biết là phát ghiền, nhất là trộn chung với khô cá lóc, cá sặt rằn; hoặc trộn với khô cá tra phồng, cá dứa cũng ngon đáo để.

Làm gỏi, chọn những tược non đang đơm bông, lặt lá, bông để trộn với khô nướng xé từng miếng nhỏ để nguội. Trộn thêm dưa leo và cà chua xắt mỏng để… làm duyên. Bí quyết món gỏi này là trộn với nước me chua thêm chút đường, nước mắm nhỉ và ớt sao cho hội đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng, bùi mới… đạt đạo. Nước chấm phải là nước mắm me đậm đặc, cay, chua nhưng vừa ăn để làm đậm thêm vị .
Dùng nước chanh hoặc giấm sẽ làm hỏng món dân dã này. Ngon lành hơn có thể trộn với tôm sú và thịt ba rọi xắt mỏng, kèm thêm dưa leo hoặc xoài chua bằm. Không những có được món gỏi ngon mà tài liệu y dược cho biết, đọt sầu đâu có chất khổ vị tố (chất đắng) trị lãi. Còn theo kinh nghiệm dân gian thì đọt sầu đâu làm mát gan, chống lãi và trị nhức mỏi.

SGTT Media (Hương vị miền Tây)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét