Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

ĐẠI PHÚ DO THIÊN - TIỂU PHÚ DO CẦN

Triết lý kinh doanh của người Hoa: 
ĐẠI PHÚ DO THIÊN - TIỂU PHÚ DO CẦN
Từ thời xa xưa, ở Sài Gòn đã phổ biến câu nói “Ăn mày Tàu"? Là vì đi ăn xin ở đâu thì đi, nhưng không thể vào khu người Hoa ở Chợ Lớn để xin được, vì người Hoa tuyệt đối không cho tiền người đi ăn xin, mà ngược lại họ sẵn sàng đưa tay ra để giúp đỡ, tạo cơ hội công ăn việc làm cho người nghèo khổ, sa cơ lỡ vận, để tự mưu sinh và sau đó có thể làm giàu.
Với người Hoa, cái gì cần xài, không sợ tốn kém, cái gì lãng phí khó mà móc được “hầu bao” của họ. Tướng quân Quản Trọng cũng đã từng khuyên vua, "Bệ hạ nên cho dân nghèo cái cần câu, hơn là cho con cá". Đối với cộng đồng người Hoa sinh sống tại Việt Namhay với quốc gia nào khác, họ đều mang theo tinh hoa của triết lý này để thi thố làm ăn nơi xứ lạ, quê người. Nhiều câu châm ngôn trong cuộc sống và kinh doanh mà người Hoa nào cũng thuộc lòng và nhắc nhở cho nhau như :"Buôn Ngô buôn Tàu, không giàu bằng buôn hà tiện", hay "Biển rộng mặc biển, thuyền chèo có ngăn”…


Không thể phủ nhận tính cần và kiệm của người Hoa. Hai chữ “cần, kiệm” không chỉ có ý nghĩa triết lý suông, mà nó đã trở thành triết lý kinh doanh của người Hoa trong mọi thời đại. Vào các thập niên đầu và giữa thế kỷ XX, có nhiều tấm gương làm giàu nay đã trở thành giai thoại từ cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn. Chuyện kể rằng, Quách Đàm và chú Hỏa xuất thân từ nghèo khó, cuộc sống của họ chỉ dựa vào gánh ve chai, nhưng do cần kiệm miệt mài làm việc mà họ trở thành đại phú gia thời ấy. Hay giai thoại "công tử co thùng", đối với các đại phú gia Hoa kiều trước khi muốn con cái gìn giữ và phát triển sản nghiệp của gia đình, họ gửi các chàng công tử này đến các cơ sở để rèn luyện tính kiên nhẫn ngay từ nhỏ. Để xin được vào làm việc tại một cơ sở nào, họ cũng phải trải qua quá trình xét tuyển như những người công nhân khác. Khi được tuyển vào, công việc trước tiên các chàng công tử này là phải xuống bếp cọ thùng như những công nhân. Đây là một cách đào luyện con cái họ khi trở thành doanh nhân có đủ kinh nghiệm và tính kiên nhẫn trong vai trò người chủ trong tương lai.


Một yếu tố khác mang tính đặc trưng của người Hoa. Đó là tính cộng đồng của họ rất cao. Trong kinh doanh, họ lập ra nhiều bang hội, nhưng các bang hội không phải là nơi tụ hội ăn chơi mà để nâng đỡ, tạo cơ hội cho mọi người trong cộng đồng có thể gây dựng cơ nghiệp làm ăn. Trước khi có tín dụng ngân hàng cho vay dự án kinh doanh, các bang hội người Hoa đã biết triển khai tín dụng, qua hình thức "hụi thảo", một loại hình chung tay giúp vốn cho những người muốn ra làm ăn nhưng thiếu vốn. Nhưng sau khi giúp vốn, người Hoa còn tích cực hơn với "hậu tín dụng", đó là chung tay giúp doanh nghiệp còn non trẻ. Nếu là mở hàng ăn thì họ kéo nhau đến ăn, nếu sản xuất giày dép thì họ tìm đến mua giày… Nhưng trước hết, chính những đối tác được giúp đỡ đó phải chứng tỏ sự tích cực về tính kiệm cần cao độ. Một số đại gia có thương hiệu vang dội ngày nay là do từng được giúp và áp dụng tinh thần kiệm cần, như thương hiệu giày dép Bình Tiên, bánh ngọt Đức Phát… là những điển hình cụ thể. Bắt đầu là "tiểu phú do cần" sau trở thành "đại phú do trời". Trời nói ở đây là thời cơ khách quan đưa tới. Nhưng thời cơ chỉ đưa tới cho những ai có tâm thành, sẵn sàng năng lực để tiếp nhận khai thác. Đến đây thì triết lý kinh doanh phương Đông của người Hoa đã gặp triết lý kinh doanh của phương Tây, "Hãy tự giúp mình trước, rồi trời sẽ giúp anh sau".


Nhiều nhà nghiên cứu lý giải việc kinh doanh thành công của người Hoa là vì họ rất coi trọng chữ tín, trong làm ăn họ luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Trong nhiều lần tiếp xúc với giới truyền thông, ông Lê Phụng Hào, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kinh Đô, cho biết: “Người Hoa có tầm nhìn kinh doanh rộng và dài. Họ luôn nhạy bén, có khát vọng đột phá, đi đầu và làm ăn lớn, chữ “tín” cũng xuất phát từ chỗ này”. Công ty bánh Kinh Đô (trước 1975 có tên gọi là Công ty Đô Thành), ban đầu chỉ là cơ ngơi nhỏ tại quận 6, Sài Gòn nhưng bây giờ cơ ngơi của Kinh Đô có tới 9 công ty, có mặt từ Nam chí Bắc. Trên thương trường, Kinh Đô có thể xem là một trong những đại gia đáng gờm trong ngành sản xuất mặt hàng bánh kẹo...
Theo Tiến sĩ Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam á, những nét đặc trưng về văn hóa kinh doanh người Hoa: “Nền tảng gia đình và chữ “tín” là báu vật; đề cao vai trò của tổ chức xã hội, nghiệp đoàn truyền thống; chấp nhận mạo hiểm và quyết đoán trong kinh doanh, được sự giúp đỡ đắc lực của tập thể, gia đình và bè bạn; đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đầu tư; kết hợp giữa cách làm truyền thống với kiến thức và thực tiễn kinh doanh hiện tại...”.


Tại Sài Gòn, cộng đồng người Hoa chỉ chiếm 7% dân số (khoảng 500.000 người), nhưng tỉ trọng doanh nghiệp người Hoa lại chiếm 30% trên tổng số doanh nghiệp có mặt tại Thành phố, nơi được xem có vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.
Điều đáng nói, hầu hết các doanh nghiệp này đều ăn nên làm ra, trong đó không ít doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực cho thị trường, rất quen thuộc với người tiêu dùng không chỉ ở Sài Gòn mà còn trong phạm vi cả nước. Chẳng hạn Công ty CP Bánh kẹo Kinh Đô, Công ty Bút bi Thiên Long, Công ty Dệt Thái Tuấn, Công ty Dây cáp điện Tân Cường Thành, Công ty CP Sản xuất ống thép Hữu Liên - á Châu...
Trước 1975, khi Sài Gòn là “thủ đô” của chính quyền cũ, khu vực Chợ Lớn là nơi tập trung hàng nhập khẩu và hàng nội địa lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Người Hoa gần như giữ độc quyền về hoạt động thương mại (khoảng gần 90% bán buôn, 50% bán lẻ, 80% - 90% xuất nhập khẩu…). Những nhà buôn tầm cỡ của người Hoa thường là những đại lý độc quyền, tổng phát hành và phân phối hàng cho các đại lý nhỏ, các cơ sở kỹ nghệ, sản xuất, kinh doanh. Họ có quan hệ làm ăn buôn bán với hơn 40 nước ở khu vực và trên thế giới.


Bên cạnh hệ thống các nhà buôn lớn, người Hoa ở quận 5 và Chợ Lớn còn làm chủ nhiều tiệm buôn nhỏ, vừa bán sỉ, vừa bán lẻ, đủ mọi mặt hàng, giống như những cửa hàng tạp hóa, mà người Hoa thường gọi là “chạp phô”. Chợ Lớn thực sự giữ vai trò trung tâm, chi phối thị trường thành phố Sài Gòn và Nam Việt Nam, tại khu vực này có một hệ thống chợ quy mô lớn, hoạt động có tính chất chuyên ngành như chợ Bình Tây, An Đông, La Cai, Tân Thành, Hòa Bình, Kim Biên…
Theo tapchicongnghiep.vn
(Sưu tầm trên mạng)

CỦI ĐẬU ĐUN HỘT ĐẬU

Đời Tam Quốc (220-264), Tào Thực tự Tử Kiến là con thứ ba của Tào Tháo, vốn có tài làm thơ hay, được tiếng là đệ nhất thi nhân đời Tần-Hán nhưng có tính phóng túng. Tào Tháo thương lắm nhưng không thể truyền ngôi cho một chàng giàu tâm hồn nghệ sĩ ấy được.
Tháo chết, truyền ngôi cho con cả là Tào Phi. Thực bản tính ngông nghênh bất phục, có ý chống lại ông vua anh. Phi giận lắm, truyền người bắt Thực đến định làm tội. Nhưng vì yêu tài Thực nên Phi bảo:
- Ta với mày tuy tình anh em nhưng nghĩa vua tôi, sao dám cậy tài miệt lễ? Ngày tiên quân còn, mày thường đem văn chương khoe giỏi lòe đời. Ta rất nghi, có lẽ mày nhờ người khác làm giúp. Vậy giờ đây ta ra hạn: đi bảy bước phải làm xong một bài thơ. Nếu làm được thì tha tội chết; bằng không xong, ta quyết chẳng dung.
Thực nói:
- Xin ra đề cho.
Trên điện sẵn có treo bức tranh thủy mặc, vẽ hai con trâu chém nhau bên bức tường đất. Một con rơi xuống giếng chết. Tào Phi trỏ vào bức tranh, bảo:
- Hãy lấy bức họa kia làm đề. Nhưng trong thơ cấm phạm vào những chữ "Ngưu", "Đẩu", "Tường", "Trụy", "Tỉnh", "Tử" (Trâu, chọi, tường, rơi, giếng, chết).
Thực đi khoan thai. Vừa hết bảy bước, liền cất tiếng ngâm:
Hai tấm thân đi đường,
Trên đầu bốn khúc xương.
Gặp nhau tựa sườn núi.
Bỗng đâu nổi chiến trường.
Đôi bên đua sức mạnh,
Một địch lăn xuống hang.
Đâu phải thua kém sức,
Chẳng qua sự lỡ làng.
Nguyên văn:
Lưỡng nhục tề đạo hành,
Đầu thượng đới ao cốt.
Tương ngô do sơn hạ,
Huất khởi tương đường đột.
Nhị địch bất câu cương,
Nhất nhục ngọa thổ quật.
Phi thị lực bất hư,
Thịnh khí bất tiết tất.



Tào Phi cùng tất cả quần thần đều giựt mình, nức nở khen. Phi lại hỏi:
- Bảy bước thành thơ, ta còn cho là nhàm. Mày có thể ứng khẩu đọc ngay một bài được chăng?
Thực đáp:
- Xin ra đề cho.
Phi nói:
- Ta với mày là anh em. Cứ lấy câu đó làm đầu đề. Nhưng cấm dùng hai chữ "Huynh", "Đệ".
Thực chẳng cần nghĩ ngợi một giây, ứng khẩu đọc ngay:
Củi đậu đun hột đậu
Đậu trong nồi khóc kêu:
Cùng sinh trong một gốc,
Bức nhau chi đến điều.
Nguyên văn:
Chữ đậu nhiên đậu cơ,
Đậu tại phẩu trung khấp.
Bản thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.
Phi nghe cảm động, sa nước mắt, liền tha cho, nhưng giáng Tào Thực làm An Hương Hầu.


Ở Việt Nam trong thời Tây Sơn (1771-1802), hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ xuýt đánh nhau để tranh quyền. Nguyễn Nhạc yếu thế, phải khóc nói với em:
- Bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn?
Nghĩa là: nồi da nấu thịt, lòng em sao nỡ? Nên Nguyễn Huệ cảm động rồi cả hai hòa nhau.
Ở tỉnh Bình Định, mỗi khi người ta đi săn được hươu nai gì thì lột da ra làm nồi mà nấu thịt. Do đó ca dao Bình Định có câu:
Da nai mà nấu thịt nai,
Việc đời như thế không ai động lòng.
Thịt nai mà chín bên trong,
Da nai cũng cháy còn mong nỗi gì!
Cảm động lời nói của Nguyễn Nhạc, người Bình Định đem lời đó diễn bằng câu ca dao:
Lỗi lầm anh vẫn là anh,
Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em?



Đời nhà Nguyễn (1802-1945) vua Tự Đức giết anh là Hồng Bảo để củng cố địa vị ngai vàng của mình. Một hôm, trong một buổi chầu, nhà vua vô ý để răng cắn nhằm lưỡi mới khiến quần thần làm bài thơ chơi, nhưng trong thơ cấm dùng tiếng "Răng", "Lưỡi".
Đây là bài thơ của cụ Nguyễn Hàm Ninh:
Ngã sinh chi sơ nhữ vị sinh,
Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh.
Bất tư cộng hưởng trân cam vị;
Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình.
Tạm dịch:
Thuở tớ sinh ra, mày chửa sinh,
Mày sinh sau tớ, tớ là anh.
Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng,
Xương thịt đành tâm nỡ dứt tình.
Nhà vua khen hay, thưởng một chữ một nén vàng; nhưng vì cho bài có ý "móc", nên bắt phạt mỗi chữ đánh một roi.
"Củi đậu đun hột đậu", "Nồi da xáo thịt", "Răng cắn lưỡi" thành ngữ điển tích này đều có một ý nghĩa như nhau.
Vạn Xuân

RAU RĂM CHỊU LỜI ĐẮNG CAY.

Cả tháng nay, xứ Úc đã vào Xuân nên khí hậu ấm áp hơn , ánh sáng nhiều hơn, chậu rau răm của tôi cắm mấy tuần trước bây giờ cũng ra đọt nhiều lắm và lớn thật mau.
Tôi chỉ trồng có một chậu rau răm chứ không có rau khác vì tôi thích ăn "hột vịt lộn" và "gà chạy xé phay" nên mới trồng và chỉ có mùa nắng ấm mới trồng được. Tôi ăn "hột vịt lộn" gần như mỗi tuần, mùa Đông phải mua cả bó rồi chỉ ăn mấy cọng, chậu rau răm của tôi có thể cung cấp rau răm cho tôi ăn tới mùa Đông sang năm. Thật vậy, ăn 2 món này mà không có rau răm cũng như bạn nấu canh chua mà không có rau mò om và bạc hà, ăn đâu giống ai phải không ? Vậy chớ rau răm cũng bị đồn thổi là ăn nhiều không tốt. Tốt hay không tốt thì đâu có ai ăn "nhiều" mà nó chỉ là một món độn cho thêm mùi chứ không phải là món cải mà có thể ăn nhiều được.
Có một bài viết vui vui về món rau răm của Vũ Thế Thành, mời các bạn:

RAU RĂM CHỊU LỜI ĐẮNG CAY.

Tôi mời người bạn phương xa đi nhậu sò lông nướng mỡ hành, để gọi là hồi tưởng chút hương vị dĩ vãng. Thấy tôi miệt mài rau răm với sò lông, y cười khẩy “Dám ăn rau răm à?”. Bè bạn lâu năm, tôi nhận ra ngay đó là nụ cười…đểu, “à, thì ra thằng này không còn gì để mất, nên ăn bừa…”. Thiên hạ dị nghị ăn rau răm làm mất đi bản lĩnh đàn ông. Đồn chi mà ác khẩu rứa!
Huyền thoại mở đầu
Rau răm có trong câu ca dao đầy lâm ly thế này:
“Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay."


Thiên hạ truyền miệng, chúa Nguyễn Ánh trên đường tẩu quốc dạt vào Côn Đảo. Chẳng hiểu xích mích chi đó với bà vợ tên Răm, nên nhốt bà này ở đảo. Khi rời Côn Đảo, đứa con tên Cải đòi mẹ đi theo, Nguyễn Ánh quẳng luôn con xuống biển.
Hiện nay trên đảo vẫn còn miếu thờ bà Răm, nhưng vì sao cải chết mà răm lại chịu lời đắng cay thì vẫn chưa giải thích được. Có điều rau răm mang tiếng gây bệnh xìu ở đàn ông là điều có thiệt.
Rau răm có tính kháng khuẩn
Rau răm là loại cây có nhiều ở vùng nhiệt đới và ẩm, được dùng làm gia vị trong nhiều món ăn truyền thống của Lào, Kampuchia, Thái Lan, Malaysia,… Ở Việt Nam thì nổi tiếng rồi, đến độ tiếng Anh gọi rau răm là “rau mùi Việt Nam” (Vietnamese coriander).
Rau răm còn được dùng như thảo dược trong y học dân gian, không chỉ ở Việt Nam mà còn với các dân tộc Đông Nam Á khác để trị bệnh tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng, chống viêm,..
Rất ít công trình nghiên cứu khoa học về rau răm, nên liều lượng sử dụng, hiệu quả, tương tác thuốc, và hiệu ứng phụ của rau như dược thảo cũng chưa được xác định.
Cho đến nay khoa học vẫn chưa xác định hết các thành phần tinh dầu trong rau răm. Chúng chứa nhiều chất có gốc aldehyde và alcohol có dây phân tử dài, và những gốc terpen. Tuy nhiên, chất tạo mùi hăng đặc trưng của rau răm vẫn chưa được xác định.


Trong một nghiên cứu hiếm hoi về đặc tính chống khuẩn và chống nấm của rau răm của trường Đại học Hồi Giaó Quốc tế, Malaysia (IIUM) (*) cho thấy, những hoạt chất chiết xuất được từ rau răm bằng những dung môi khác nhau, có thể diệt được tụ cầu da S.epidermidis (gây bệnh chốc lở ngoài da), S.pneumonia (gây viêm phổi, viêm xoang), và nhất là tụ cầu vàng S.aureus (tiêu chảy, viêm ruột) và Salmonella typhi (thương hàn). Cả 2 khuẩn này đều gây ra ngộ độc thực phẩm. Hoạt chất trong rau răm không diệt được nấm C.albicans (viêm đường niệu, sinh dục)
Mỗi dung môi khác nhau chiết xuất ra các nhóm hoạt chất khác nhau. Do đó, đây chỉ là nghiên cứu bước đầu về rau răm, nhưng ít ra cũng cho thấy khả năng chống khuẩn đa dạng của nó.
Trăm điều đắng cay
Chưa có một nghiên cứu nào nói rau răm gây bệnh xìu ở đàn ông. Còn các nước Đông Nam Á khác, cũng xài rau răm thường như Việt Nam, nhưng không nước nào gán cho rau răm cái tội ác ôn đó. Đúng là tự mình hại mình.
Còn câu chuyện Nguyễn Ánh nhốt vợ giết con, sử sách nhà Nguyễn ghi, vua Gia Long có 21 bà vợ, và 36 con, nhưng không có ông hoàng nào tên Cải, bà phi nào tên Răm. Câu chuyện lâm li “cây cải rau răm” chỉ dành cho mấy tour guide kể chuyện làm quà cho du khách ưa mộng mị.

Tin đồn chỉ là tin đồn, đó là chưa kể người ta còn ví von là “mắt lá răm”, mang nghĩa tiêu cực. Quả thật, rau răm mắc phải trăm điều đắng cay.
Rau răm chỉ là món rau gia vị, ăn kèm chút chút cho thêm đậm đà, chứ đâu phải ăn cả tô cả đĩa như rau muống, xà lách mà hoang mang.
Bằng chứng “dịch tễ” thuyết phục nhất là, mấy bả đi chợ vẫn mua rau răm đều đều. Sò nướng, chả rươi, miến gà, cháo nghêu, hến xào, hột vịt lộn, gà xé phay,… mà không có rau răm, xin lỗi, mấy bả có vào bếp với bàn tay vàng 4 số 9 cũng thành 9 số 4.
Vũ Thế Thành
(Sưu tầm trên mạng)

KHI TRIẾT GIA BỊ GẢ BÁN

Sự thật bao giờ cũng là sư thật dù tôi biết nhưng không post lên thì cũng có người khác post. Không biết ai đã nói qua: cái miệng của những người làm chính trị còn tệ hơn cái "trôn" của một con điếm và đầu óc suy nghĩ của họ là những âm mưu trầm trọng như những thằng bất lương cướp của người hay trộm cắp.
Hồi còn trẻ, tôi biết về "giải Nobel" thế giới, mấy năm nay biết thêm về giải của Thiệu Dật Phu ở Hong Kong (邵逸夫獎), na ná như Nobel ở phương Đông, tiếng Anh gọi là "The Shaw Prize" mà người nhận giải cũng được danh dự như giải Nobel. Tới hôm nay mới biết  ở Trung Quốc có giải "Hòa bình Khổng Tử" (孔子和平獎), tôi không "update" nên không biết nó ra đời từ lúc nào nhưng đọc bài sau sẽ thấy đau lòng cho ngài Khổng Tử.



GIẢI HÒA BÌNH KHỔNG TỬ: KHI TRIẾT GIA BỊ GẢ BÁN.
Trong cuộc đời của mình, Khổng Tử không có nhiều chuyện yêu đương, lấy vợ vào năm 19 tuổi với thiếu nữ Nguyên Quan Thị. Thế nhưng vào thế kỷ 21, dưới bàn tay của Bắc Kinh và giới tư bản thân chính quyền, Khổng Tử đáng thương trở thành người bị ép phải se duyên với nhiều nhà độc tài trên thế giới.



Khổng Tử, thánh nhân tư tưởng của các đời chế độ phong kiến nhà Hán. Ông mất năm 479 trCN, để lại một di sản bền vững về bổn phận tận trung cho giai cấp cầm quyền, bất luận chế độ đó có mục nát hay tàn bạo đi nữa. Có lẽ vì vậy, chính quyền Bắc Kinh luôn muốn xiển dương quan điểm này, hủ bại hoá toàn bộ các thế hệ trẻ lớn lên trên đất nước Trung Quốc, rằng cách mạng, dân chủ hay thay đổi đều là xấu xa hoặc cần phải bị tuyệt diệt.
Năm 2010, khi Nobel Hoà bình trao cho ông Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu cho nhân quyền và tự do, Trung Quốc đã tức giận và tuyên bố rằng giải thưởng này không công chính và “đã tạo ra 1,3 tỉ người bất đồng”. Ngay sau đó, hậu thuẫn cho giới doanh gia thân chính quyền, Bắc Kinh đã cho hình thành giải thưởng Hoà bình Khổng Tử – còn được ví von là Nobel Hoà bình Khổng Tử, nhằm đối chọi lại với giải Nobel Hoà bình hàng năm.(Chính phủ TQ phủ nhận mình có liên hệ đến giải này)


Đây cũng là giải thưởng có nhiều tai tiếng nhất, kể từ khi ra đời đến nay. Người nhận giải thưởng Hoà bình Khổng Tử đầu tiên là ông Liên Chiến, cựu phó Tổng thống Đài Loan, đã từ chối sang Bắc Kinh nhận giải, hơn nữa, ông còn nói rằng chẳng biết gì đến giải thưởng gọi là “Hoà bình Khổng Tử” này.
Nhưng từ sau mùa giải đầu tiên mang tính “rửa mặt” này, giải thưởng lập tức phát huy vai trò công cụ chính trị của mình. Năm 2011, Khổng Tử kết duyên với nhà độc tài đầy mưu lược Vladimir Vladimirovich Putin. Năm 2014, giải thưởng này trao cho Fidel Castro, với lý do là hơn 70 năm tham quyền cố vị ở Cuba, ông ta đã yêu hoà bình, không sử dụng vũ lực với Hoa Kỳ.
Lịch sử ngắn ngủi của giải Hoà bình Khổng Tử có một điều đáng ghi nhớ: đa phần người nhận giải đều im lặng và không đến nhận giải. Ngoài cựu phó Tổng thống Đài Loan Liên Chiến chối bỏ, còn có cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan, Chủ tịch Fidel Castro, Tổng thống Putin cũng không đến nhận giải.
Nhưng giải thưởng Hoà bình Khổng Tử năm 2015 mới thật sự là một cuộc tranh cãi dữ dội, khi Bắc Kinh dắt tay nhà triết học vĩ đại của mình gả bán cho gã độc tài lừng danh ở châu Phi, Tổng thống Robert Mugabe. Ngay khi giải thưởng này được công bố bởi trung tâm Nghiên cứu hoà bình quốc tế của Trung Quốc (viết tắt là CIPRC), khắp nơi đã xôn xao về sự kiện này, đa phần là mỉa mai và nhạo báng.


Lionel Jensen, một giáo sư về ngôn ngữ và văn hoá tại đại học Notre Dame (Úc) nói trên tờ The Christian Science Monitor rằng việc “trao giải thưởng cho Mugabe, tức là tự làm nhục và hết sức coi thường di sản văn hoá của Trung Quốc”.
Là một học giả nghiên cứu về Khổng Tử như ông Lionel Jensen, ông Daniel Bell, nhà tư tưởng hàng đầu về giá trị của Trung Quốc và châu Á tại đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nói rằng: “Khổng Tử xác định điều tối thượng mà chính phủ cần đảm bảo điều kiện cho các phúc lợi vật chất của người dân, sau đó giáo dục cho họ”. Giáo sư Bell, tác giả của nhiều nghiên cứu về Trung Hoa, cho biết thêm rằng: “So với triết lý Khổng Tử, Mugabe đã làm điều ngược lại”.
Tờ Huffington Post tường thuật lại bình luận của giới trí thức qua Twitter, và tổng kết rằng, hầu hết cùng quan điểm với nhau rằng nếu cứ theo tiền lệ này, khả năng chiến thắng của năm tới là Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên. Các ý kiến khác còn vui đùa thêm rằng buổi lễ có thể sẽ diễn ra tại The Hague, Hà Lan, toà án Quốc tế.


Bắc Kinh ngợi ca Tổng thống Mugabe là đã “giữ được ổn định khu vực và phát triển kinh tế”. Có thể đó là lý do Bắc Kinh trao giải cho ông ta, nhưng Robert Mugabe thì được thế giới biết đến nhiều nhất bởi vi phạm của ông về nhân quyền, bao gồm cả các vụ thảm sát hơn 20.000 người dân ở các tỉnh Matebeleland và Midlands trong năm 1980 để giữ gìn chế độ. Sức mạnh cai trị của Mugabe ở Zimbabwe là ám sát, đàn áp, tra tấn và dùng nhân viên an ninh mặc đủ loại thường phục để trấn áp mọi ý kiến bất đồng.
Zimbabwe là quốc gia lừng danh về sản xuất kim cương, nhưng mỗi viên kim cương xuất đi từ quốc gia này, đều thấm máu của người lao động hay nước mắt của người dân nghèo phải mang vác món nợ công bởi sự hoang phí của giai cấp cầm quyền.
Năm 2005, bộ phim The Interpreter do diễn viên Nicole Kidman và Sean Penn thủ vai, nói về một nhân vật hư cấu có tên là Edmond Zwanie. Câu chuyện rất giống cuộc đời của ông Mugabe, từ một giáo viên ăn nói nhỏ nhẹ đi làm cách mạng, đã hoá thành bạo chúa. Sau khi coi bộ phim này, ông Mugabe đã hành động y hệt như Chủ tịch Kim Jong-un, tức là tuyên bố bộ phim do “CIA tài trợ” nhằm âm mưu lật đổ ông. Phim The Interpreter ở Zimbabwe hay The Interview ở Bắc Hàn cũng bị cấm lưu hành như nhau, và bị gọi tên là “âm mưu chống lại chính quyền của nhân dân”.


Nhưng vì sao Trung Quốc lại háo hức trao tặng giải thưởng mà họ cho là cao quý nhất cho nhà độc tài Mugabe, bất chấp dư luận? Bắc Kinh không bao giờ làm gì mà không có lợi cho mình. Mối giao hảo của Zimbabwe và Trung Quốc ngày càng đậm sâu hơn, kể từ chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài năm ngày của Mugabe vào năm 2014. Các báo cáo tài chính được Forbes tiết lộ, cho biết đầu tư của Trung Quốc tại Zimbabwe đã vượt lên hơn 600 triệu USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Phi khác. Và mối giao hảo này được gắn kết rõ hơn thông qua ít nhất hai công ty Trung Quốc, là Anjin Investment và Tế Nam để khai thác, điều hành mỏ kim cương Marange cực kỳ quý báu của Zimbabwe.
Trong cuộc chơi chính trị, kinh tế, văn hoá… của các quốc gia lớn, Trung Quốc cũng muốn góp mặt mình vào đường đua của các nước phát triển, kể từ khi kinh tế của họ phất lên. Giải Hoà bình Khổng Tử là một ví dụ. Khi gã nhà giàu mới nổi nghĩ rằng mình có tất cả, đôi khi họ cũng cần có chút thời gian để thảng thốt nhận ra rằng thịnh vượng không đồng nghĩa là có được cả văn hoá. Minh chứng cụ thể nhất, là khi họ sẵn sàng gả bán văn hoá của dân tộc mình để đổi lấy chút leng keng tạm bợ của đồng tiền.
Tuấn Khanh
(Sưu tầm trên mạng)
Link tham khảo:

CÓ BA QUẢ TÁO

“Có ba quả táo đã làm thay đổi thế giới này: một quả cám dỗ Eva, một quả rơi trúng đầu Newton, một quả bị Steve Jobs cắn dở.” – Khuyết danh

Câu nói trên đã đưa ra một sự tóm lược về lịch sử phát triển của con người. Con người nhờ khả năng tư duy, trí tuệ mà từ thuở sơ khai vất vả tồn tại trong tự nhiên, đã đi đến chỗ rảnh rang theo đuổi nghiên cứu khoa học vì đam mê. Rồi những khám phá tưởng chừng không có nhiều ứng dụng được lại mang lại những điều kỳ diệu, công nghệ tân tiến, – nền văn minh vật chất chúng ta đang có ngày nay..
Trái táo Thiện Ác…
Ngược dòng lịch sử vài ngàn năm trước đây, đến với câu chuyện trái táo của Adam và Eva trong kinh thánh. Thuở sơ khai lập địa Chúa Trời tạo ra hai người Adam và Eva. Adam và Eva sống hạnh phúc, vô lo vô nghĩ trên khu vườn thiên đàng. Họ có thể ăn hoa trái của tất cả cây cối, ngoại trừ một cây táo mà họ bị chúa ngăn cấm – cây táo Thiện Ác. Rồi một ngày, bị dụ dỗ bởi một con rắn, Eva nếm mùi trái cấm Thiện Ác rồi đưa cho Adam ăn cùng. Sau khi nếm mùi trái cấm Thiện Ác, hai người lập tức nhận được một món quà của trái cấm, đó là lý trí, óc phân biện, suy luận – họ biết phân minh Thiện Ác, biết xấu hổ về sự trần truồng của mình. Nhưng ngay sau đó, Chúa Trời xuất hiện người nổi giận và đầy hai vợ chồng Adam và Eva xuống hạ giới, nơi mà sau đó họ và con cháu họ chịu không ít đau khổ…


Người viết nên câu chuyện này như muốn nói rằng: Lý trí, khả năng tư duy là nguồn gốc của mọi đau khổ, muộn phiền của con người. Nhờ khả năng tư duy mà con người sinh ra phân biệt so sánh, phân biệt – nguồn gốc của ưa ghét, ưa thiện, ghét ác, ưa đẹp, ghét xấu; so sánh giữa ta với người, cho rằng mình phải, người quấy, mình thiện, người ác; ghen tỵ với cái tốt, cái hay của người… Tất cả đều do khả năng phân minh, đánh giá sự vật bên ngoài mang lại, làm cho con người không hạnh phúc với bản thân mình…
Nhưng cũng nhờ óc suy luận, phán đoán mà con người bắt đầu biết quan sát, nhận xét về môi trường xung quanh mình, tìm được những gì cần cho sự tồn tại của mình. Trái táo của Adam và Eva tượng trưng cho nguồn gốc của lý trí, khả năng tư duy – khởi nguồn của sự phát triển với tốc độ ngày càng chóng mặt của loài người trong vài ngàn năm qua…
…và Newton
Tiếp tục cuộc hành trình thời gian, vượt qua nhiều thế kỷ kể từ thời mông muội của Adam va Eva tới thế kỷ 17, tại nước Anh… Đến với Isaac Newton và trái táo thứ hai…


Giai thoại kể rằng, một trái táo rơi trúng đầu Isaac Newton trong lúc ông đang ngồi nghỉ ngơi suy nghĩ dưới gốc cây. Nhờ đó mà ông có luận ra định vật vạn vật hấp dẫn. Định luật này ngay lúc bấy giờ có thể chưa có nhiều ứng dụng, nhưng nó đã đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học hiện đại sau này. Trái táo của Newton tượng trưng cho một giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển của loài người. Đó là một giai đoạn mà con người đã tự tồn tại được trong thiên nhiên một cách sung túc đầy đủ, và còn có thời gian cho những nghiên cứu, tìm tòi… tùy theo sở thích để thoả mãn trí tò mò…
Apple
Tiếp tục cuộc hành trình tới trái táo cuối cùng. Tới thời đại của chúng ta – thế kỷ 20-21, với Apple của Steve Jobs. Trái táo của Steve Jobs như một biểu tượng của cuộc cách mạng công nghệ thông tin của con người ở thế kỷ 20-21. Giờ đây, chỉ ba thế kỷ sau trái táo của Newton, con người đã không chỉ nghiên cứu khoa họ cho vui. Giờ đây con người còn biết định hướng, vận dụng sự hiểu biết về tự nhiên và khoa học phát minh ra những công cụ mang lại sự tiện nghi cũng như đột phá cho sự phát triển của nhân loại. Trái táo Apple của Steve Jobs là ví dụ nổi bật cho bước tiến này.


Những Macintosh, Ipod, Iphone, Ipad… là những đỉnh cao của trí tuệ con người. Với khả năng tư duy suy luận, cùng với niềm đam mê khám phá, con người không chỉ tồn tại được trong tự nhiên, thấu hiểu một phần các quy luật của nó, mà còn có thể sử dụng nó để sáng tạo và mang lại những điều kì diệu, những điều mà tưởng chừng là không thể ở thời đại trái táo của Eva…
Hạnh phúc..?
Nhưng… ngẫm lại đã mấy ai trong chúng ta dám khẳng định mình hạnh phúc được như Adam và Eva hồi còn ở Vườn Địa Đàng? Chúng ta theo đuổi tiến bộ công nghệ khoa học, tạo dựng, tích trữ của cái hàng ngàn năm vừa qua là vì cái gì? Phải chăng là cũng không ngoài cái mục đích là được sung sướng, được Hạnh Phúc? Nền văn minh vật chất phát triển với tốc độ chóng mặt của chúng ta dường như không làm chúng ta hạnh phúc mấy, và dường như còn làm loài người chúng ta ngày càng điên đảo dục vọng, tranh đấu lẫn nhau…Phải chăng đó là cực hình chúng ta phải chịu như con lừa trong cậu chuyện một bậc hiền giả kia đã kể:


Có người đánh xe lừa khôn khéo kia, cho lừa mang bó cỏ tươi trước mồm để gạt nó bước tới… Bước mãi mà bó cỏ vẫn kề bên miệng không được liếm láp cọng nào.. Nhưng kết quả thì rất hay: xe lừa vẫn đi mãi theo ý muốn của người đánh xe, mà không tốn một cọng rơm nào cả! (Cái Lẽ Sống Của Ta, Nguyễn Duy Cần)
Kim Giang
(Sưu tầm trên mạng)

DÙNG BÁNH MÌ LÀM VŨ KHÍ GIÀNH ĐỘC LẬP: CÂU CHUYỆN THÚ VỊ CỦA NƯỚC CỘNG HÒA CONCH

Năm 1982, Thị trưởng thành phố Key West, Mỹ là ông Dennis Wardlow đã tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hòa Conch. Key West thực chất là một hòn đảo nằm ở phía nam của thành phố Florida, có diện tích 19.2km2 với dân số khoảng 20.000 người. Đây là nơi du lịch nổi tiếng và là nơi nghỉ dưỡng của những người giàu có.

Phong cảnh ở Key West vô cùng xinh đẹp. Nơi hẹp nhất ở đây chính là con đường đi từ đảo tới thành phố Florida. Hai bên đường là biển với cảnh đẹp tuyệt vời. Đoạn đường này là xa lộ số 1 của nước Mỹ, được xưng là con đường bằng cầu đẹp nhất.
Hòn đảo này là điểm đến của rất nhiều người nổi tiếng và các doanh nhân. Nổi bật là nhà văn Mỹ Hemingway, hiện tại ở đây vẫn còn nơi ở của ông.


Vì sao hòn đảo này lại tuyên bố độc lập?

Vào năm 1982, lực lượng biên phòng Mỹ dựng lên các rào chắn và trạm kiểm soát trên con đường số 1 để bắt đầu kiểm tra tất cả những chuyến xe từ đảo về thành phố Florida để có thể điều tra thuốc phiện và những người nhập cư bất hợp pháp. Key West là điểm cực nam của nước Mỹ và chỉ cách Cuba khoảng hơn 100km vì vậy, rất nhiều du khách đã lên bờ ở đây rồi tiến vào nước Mỹ bằng con đường này để thực hiện “giấc mơ Mỹ” của mình.

Key West (Ảnh: internet)
Để ngăn chặn điều này, lực lượng biên phòng Mỹ đã đặt trạm kiểm soát ở đây để kiểm tra người nhập cư trái phép và buôn bán thuốc phiện. Vì chỉ có một con đường để nối liền đảo này và thành phố Florida, nên trạm kiểm soát này đã trở thành một chiếc nút chai gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Thời điểm kẹt xe dài nhất lên đến 15km. Đoạn đường được xưng là “con đường đẹp nhất” và “đường cầu đẹp nhất” này bình thường không được đỗ xe để du khách chụp ảnh cũng đã tắc đường nghiêm trọng rồi, giờ đây lại thêm trạm kiểm soát thì quả là điều khiến không chỉ du khách mà cả dân đảo đều vô cùng “chán ghét”.
Lúc bấy giờ, Thị trưởng thành phố Key West là ông Dennis Wardlow đã báo cáo lên Tòa án Liên bang ở Miami thuộc Florida, Mỹ yêu cầu rằng các “chướng ngại vật” cần phải được dỡ bỏ. Đương nhiên, tòa án đã bác bỏ yêu cầu này của ông và cho rằng chính phủ liên bang có quyền vì lợi ích quốc gia mà thiết lập các “chướng ngại vật” kia và có quyền kiểm tra người trên đường vào Florida.


Ông Dennis Wardlow vô cùng tức giận, cho rằng chính phủ không coi họ là những người Mỹ. Vì vậy, Thị trưởng Dennis Wardlow đã tuyên bố đảo Key West là một quốc gia độc lập mang tên nước cộng hòa Conch vào ngày 23 tháng 4 năm 1982.

Chính phủ Mỹ cũng cảm thấy kỳ lạ không hiểu sao hòn đảo này tự nhiên lại tuyên bố độc lập. Vì vậy họ đã phái FBI đến tìm hiểu điều tra. Các nhân viên FBI chỉ thấy rằng, Thị trưởng Dennis Wardlow đã được công bố là thủ tướng của nước Cộng hòa Conch và nước này cũng tuyên bố chiến tranh chống Mỹ ngay lúc bấy giờ. Để tượng trưng cho cuộc chiến này, vị Thị trưởng đã cầm một chiếc bánh mì Cuba đánh một cái lên đầu một người đàn ông mặc quân phục hải quân Mỹ. Sau đó ngay lập tức ông tuyên bố toàn bộ cuộc chiến tranh chống Mỹ giành độc lập kết thúc. Vị Thị trưởng giữ vững được khoảnh khắc này trong 60 giây, khi FBI đã ra lệnh cho hải quân tiến vào. Đoàn xe của Thị trưởng xông đến căn cứ hải quân Mỹ và thản nhiên giơ cờ trắng tuyên bố đầu hàng.


Thị trưởng Dennis Wardlow rất “hào phóng” thừa nhận rằng đất nước mình đã bị quân đội Mỹ đánh bại, là quốc gia bại trận. Nhưng vì để xây dựng lại sau chiến tranh cùng với tổn thất to lớn về kinh tế nên Thị trưởng đã đề nghị chính phủ Mỹ cấp cho đất nước họ một tỷ USD để kiến tạo lại đất nước.
Tin tức này vừa được đưa ra đã khiến toàn nước Mỹ “sợ” ngây người!
Mặc dù yêu cầu này cuối cùng không được đáp ứng nhưng những “chướng ngại vật” kia đã lặng lẽ được dỡ bỏ. Mặc dù mục đích đã đạt được rồi, nhưng quốc gia Conch vẫn tiếp tục “chơi đùa” đến mức không dừng lại được…


Cuộc chiến bằng những chiếc bánh mì…

Năm 1995, lục quân Mỹ tuyên bố sẽ diễn tập tại đảo Key West. Khi những tin tức này được truyền đến Key West, ông Thị trưởng Dennis Wardlow cảm thấy tình thế quá nghiêm trọng, cho rằng đây là cuộc xâm lược chủ quyền một cách ngang nhiên. Ngay lập tức, ông kháng nghị lên chính phủ Mỹ rằng đây là một hành vi bạo ngược, đồng thời ông cũng viết thư thương lượng đến Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Ngoại trưởng Christopher. Sau đó ông cũng thông báo cho các đơn vị canh phòng đảo và hiệu triệu người dân đảo đứng lên bảo vệ đất nước.
Sau khi kế hoạch tác chiến được lập ra, cộng hòa Conch đã gửi thư thách đấu tới quân đội Mỹ, Nhà trắng, Lầu năm góc, Bộ ngoại giao và đương nhiên, quân đội Mỹ đã đến!
Khi một tiểu đoàn của quân đội Mỹ tiến đến ốc đảo thì bị chặn bởi một lực lượng “hùng mạnh”… Không ngờ, ốc đảo cho 200 người dân cầm bánh mì sẵn sàng chiến đấu khiến cho thiếu tá dẫn đầu tiểu đoàn không thể không xuống xe chào người dân.

Hemingway House
Người đứng đầu quân hải đảo lớn tiếng hỏi: “Liệu quân đội Mỹ có phải cần được đồng ý để vào đảo?”
Quân Mỹ lớn tiếng trả lời: “Đúng vậy, xin cho phép vào đảo!”
Lập tức 200 người dân đảo vỗ tay vang dội. Đội quân của nước cộng hòa Conch đã toàn thắng…

Chiếm trụ cầu bỏ hoang…
Nhưng sự kiện này vẫn chưa phải là kết thúc. Cộng hòa Conch càng lúc càng “to gan lớn mật”, bắt đầu khuấy động thổ địa của nước Mỹ. Năm 2006, họ lại liên tục cho nhập cư trái phép người nước ngoài vào Mỹ. Thời điểm đó, đội canh gác của nước Mỹ bắt được 15 thuyền viên người Cu Ba. Địa điểm bắt được rất nhỏ bé, đó là một trụ cầu bị bỏ hoang thuộc Florida tên là Seven Mile. Nước Mỹ có một chính sách gọi là “chân ướt”, tức là nếu như người nhập cư khi bị bắt mà “chân khô” thì họ có thể được xin tị nạn. Còn nếu như không đặt chân lên lục địa nước Mỹ thì cũng không có cách nào được phép vào. Đội canh gác cho rằng trụ cầu bỏ hoang này không thuộc về lục địa nên đã thả 15 người này về nước.

Cầu Seven Mile

Ngay khi tin tức về vụ thả người này được truyền ra thì Cộng hòa Conch cho rằng: “Nước Mỹ đã nói rằng trụ cầu này không phải là lục địa, là vô chủ, nước Mỹ ghét bỏ nó nhưng chúng ta không chê!” Thế là, Cộng hòa Conch chiếm lĩnh luôn trụ cầu này đồng thời cắm cờ của nước mình lên đó.
Hòn đảo này có thể làm những việc như vậy là bởi vì mọi người đều biết và cho rằng đây chỉ là trò đùa, không ai coi nó là một quốc gia độc lập cả. Tuy nhiên, qua sự kiện tuyên bố độc lập, hòn đảo này lại trở nên nổi tiếng hơn rất nhiều. Họ còn có cả Ngày Độc lập và còn được Hiệp hội du lịch Mỹ cấp phát hỗ trợ.
Ngoài việc lăng xê du lịch, sự kiện này còn thể hiện thái độ sống và truyền thống của người dân nơi đây. Ở nước Cộng hòa Conch có một câu nói: “Chúng tôi thực hành sự hài hước để giảm bớt sự căng thẳng trên thế giới”.

Ở nước Cộng hòa Conch có một câu nói: "Chúng tôi thực hành sự hài hước để giảm bớt sự căng thẳng trên thế giới".

Quả thực, câu chuyện về đất nước tự tuyên bố độc lập Conch này giống như một câu chuyện hài hước nhưng đã thực sự xảy ra. Dựa vào sự kiện giành độc lập mà những “chướng ngại vật” trên đường nối liền đảo vào Florida được dỡ bỏ, khiến cho ngành du lịch phát triển hơn, nhiều người đến đảo du lịch hơn, đời sống của người dân cũng được nâng lên rất nhiều.

Theo NTDTV

Mai Trà biên dịch






Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

HỮU DUYÊN NHÂN

Muốn nói cho người ta nghe theo mình mà thiếu duyên lành thì quả thật vô cùng khó khăn, chính Đức Phật có đầy đủ phước đức, biện tài vô ngại, dùng vô số phương tiện nhiệm mầu hóa độ chúng sanh, có người vừa nghe qua, liền giác ngộ hoan hỷ tín thọ phụng hành, nhưng cũng có người không muốn nghe, còn chống đối lại, điển hình như Đề Bà Đạt Đa...
Cho nên, kinh Phật có câu: "Phật hóa hữu duyên nhơn" nghĩa là Đức Phật chỉ háo độ được những chúng sanh có duyên với Ngài, còn không có duyên thì không độ được. Chẳng hạn, như trường hợp vợ của ông trưởng giả Cấp Cô Độc, Phật và chư Thánh Tăng không độ được, nhưng Tôn giả La Hầu La lại độ được bà quy y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới. Chư Tăng thấy thế lấy làm lạ hỏi Phật nguyên do tại sao?



Phật nói: "Sở dĩ La Hầu La độ được vợ ông Cấp Cô Độc là vì trong nhiều kiếp trước La Hầu La đã từng làm con của bà".
Truyện trên cho chúng ta thấy, gặp trường hợp mình nói lẽ phải mà người ta không nghe, chứng tỏ rằng ta không có duyên với họ thì chớ có tranh cãi làm chi cho sanh phiền muộn.

Hơn nữa, các pháp nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, chúng chỉ là trò huyễn hóa, vô thường giả tạm, cho dù đúng sai, tốt xấu, được mất, hơn thua, chung qui rồi cũng trở về cát bụi. Chúng ta chớ có cưỡng cầu, đấu tranh làm chi để rồi tạo thêm nghiệp chướng.
HT. Thích Giác Thiện
(Sưu tầm trên mạng)